Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ

Thứ ba, 06/11/2012 - 22:02

(Thanh tra) - Thanh tra Bộ Nội Vụ; Thanh tra Sở Nội vụ; Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ là những cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Nội vụ. Đó là nội dung được quy định tại Nghị định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ vừa được Chính phủ ban hành ngày 5/11.

Trụ sở Bộ Nội vụ. Ảnh: Hồng Hà

Nghị định quy định tổ chức, hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Nội vụ; thanh tra viên ngành Nội vụ, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Nội vụ, cộng tác viên thanh tra ngành Nội vụ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Nội vụ.

Thanh tra ngành Nội vụ được tổ chức để thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp Nhà nước và quản lý biên chế công chức, vị trí việc làm và số lượng viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức hội được giao sử dụng biên chế công chức; việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã.

Bên cạnh đó, thanh tra ngành Nội vụ có quyền thanh tra trong các lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức; chính sách tiền lương; cải cách hành chính Nhà nước; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ Nhà nước; đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; quy tắc nghề nghiệp của cán bộ, công chức viên chức; tổ chức hội và các tổ chức phi Chính phủ…

Nghị định quy định rõ chậm nhất vào ngày 30/10 hàng năm, Thanh tra Bộ Nội vụ hướng dẫn các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Nội vụ xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra chuyên ngành.

Chậm nhất vào ngày 15/11 hàng năm, Thanh tra Bộ Nội vụ trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt kế hoạch Thanh tra của Bộ Nội vụ. Chậm nhất vào ngày 5/12 hàng năm, Thanh tra Sở Nội vụ trình Giám đốc Sở Nội vụ phê duyệt kế hoạch thanh tra của Sở Nội vụ. Kế hoạch thanh tra sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nếu kế hoạch thanh tra của cơ quan cấp dưới có sự chồng chéo với kế hoạch của cơ quan cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của cơ quan cấp trên.

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa Thanh tra Bộ Nội vụ, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Nội vụ; phối hợp với Thanh tra tỉnh giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Nội vụ với các cơ quan thanh tra của địa phương, trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét khi cần thiết.

Cũng theo Nghị định cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ Nội vụ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Nội vụ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày. Cuộc thanh tra do Thanh tra Sở Nội vụ tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
 

Hồng Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm