Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chậm và sai là phổ biến

Thứ năm, 13/09/2012 - 09:53

(Thanh tra)- Theo kế hoạch, Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 tỉnh Quảng Nam cần xây dựng là 1.588 phòng, diện tích nhà công vụ là 13.896 m2. Đến thời điểm thanh tra, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 1.282 phòng và 323 nhà công vụ.

Quảng Nam: Nhiều thiếu sót trong thực hiện đầu tư

Qua thanh tra việc thực hiện Đề án tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Nam, Thanh tra tỉnh đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong các khâu thực hiện đầu tư.

Cụ thể: Quá trình tổ chức thực hiện đầu tư các công trình thiếu các thông số trên bản vẽ kỹ thuật thi công; thiếu các mặt cắt chi tiết, không có cơ sở tính toán khối lượng gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, dẫn đến công tác lập dự toán không chính xác; một số khối lượng công việc xây lắp trong hồ sơ dự toán không khớp đúng với bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công; một số hạng mục tính trùng khối lượng; công tác thẩm tra và phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán không chặt chẽ, thiếu chính xác, dẫn đến một số thành phần công việc có khối lượng lập dự toán của một số công trình, hạng mục công trình tăng... Trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý (BQL) dự án Sở GD-ĐT Quảng Nam.

Điều đáng nói là, công tác nghiệm thu, thanh toán không chính xác, không đúng với thực tế thi công, công việc xây lắp đào móng băng, đắp đất công trình, xây tường gạch ống, lát nền, sàn làm tăng giá trị quyết toán gần 260 triệu đồng. Trách nhiệm sai phạm thuộc về các đơn vị thi công và BQL dự án Sở GD-ĐT.

Thanh tra tỉnh đã kiến nghị thu hồi trên 153 triệu đồng, giảm trừ giá trị khối lượng nghiệm thu so với hợp đồng trên 105 triệu đồng; yêu cầu các đơn vị thi công nghiêm túc kiểm điểm chế độ, trách nhiệm về việc để xảy ra các sai phạm.

Đồng thời, yêu cầu BQL dự án của Sở GD-ĐT kiểm tra chặt chẽ và tăng cường chất lượng nghiệm thu các sản phẩm do các đơn vị đầu tư lập và hoàn thành hồ sơ quyết toán của công trình, hạng mục công trình còn lại; tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các cá nhân có liên quan; đôn đốc thu hồi các khoản tiền sai phạm.

Hưng Yên: Mới thực hiện 42% kế hoạch

Từ năm 2008 - 2011, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện 126 dự án trường, lớp học theo kế hoạch hàng năm. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.304/3.102 phòng học, đạt 42% kế hoạch. Tổng số vốn đã cấp 316,434 tỷ đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra 86/126 dự án, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã phát hiện nhiều vướng mắc, sai phạm về quy trình làm việc, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Việc triển khai, xác định cụ thể số lượng, danh mục phòng học 3 ca, phòng học tạm thời cơ bản chưa đúng tiêu chí; việc thống kê tổng hợp còn có sự nhầm lẫn dẫn đến vướng mắc trong việc phân bổ vốn; UBND tỉnh chưa ban hành định mức hỗ trợ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các phòng học thuộc đối tượng của Đề án làm cơ sở cho các đơn vị phân bổ và cân đối nguồn vốn; xây dựng nguồn vốn chưa tính tới vấn đề trượt giá; công tác báo cáo định kỳ của chủ đầu tư theo quy định chưa thường xuyên; chưa bố trí đủ vốn đối ứng theo kế hoạch của Đề án được phê duyệt…

Đáng nói, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền gần 1,1 tỷ đồng, trong đó thu hồi về ngân sách địa phương hơn 422 triệu đồng, giảm trừ quyết toán hơn 596 triệu đồng; Thanh tra Xây dựng phát hiện và kiến nghị xử lý 2,1 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 455 triệu đồng; Thanh tra tỉnh phát hiện và xử lý hơn 1 tỷ đồng.

Tren cơ sở kết luận, Thanh tra tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2015 và bổ sung tăng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thành mục tiêu Đề án đã được phê duyệt; bổ sung danh mục khối trường THPT, số phòng học cần thiết phải đầu tư sau khi đã được rà soát lại và tăng tỷ lệ vốn hỗ trợ trái phiếu Chính phủ cho tỉnh Hưng Yên từ 40% lên 60%.

Trà Vinh: Thu hồi hơn 1,2 tỷ đồng

Đây là số tiền sai phạm được Thanh tra tỉnh Trà Vinh phát hiện qua thanh tra việc thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả thanh tra, Đề án được thực hiện với quy mô 1.490 phòng học, 335 phòng công vụ giáo viên với tổng mức đầu tư hơn 265,3 tỷ đồng; tổng mức đầu tư đã thực hiện giai đoạn 2008 - 2011 là 334,4 tỷ đồng. Đến nay, Đề án đã triển khai xây dựng được 1.482 phòng học, giải ngân 323,2 tỷ đồng.

Thanh tra tỉnh đã chỉ ra không ít sai sót: Mặc dù chủ đầu tư (CĐT) thuê tư vấn thực hiện công tác khảo sát địa chất, nhưng trong quá trình thực hiện, không cử cán bộ theo dõi và ghi chép khảo sát địa chất theo quy định; việc áp dụng thiết kế mẫu cũng không được CĐT thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đúng theo nguyên tắc đấu thầu như thông báo mời thầu trước khi có hồ sơ mời thầu được duyệt; thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu của CĐT và các đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu chậm...

Bên cạnh đó, 100% công trình do các đơn vị thi công đều chậm tiến độ so với thời hạn trong hợp đồng, nhưng CĐT vẫn ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thi công, lập và trình duyệt quyết toán hoàn thành công trình cho các đơn vị thi công.

Để xảy ra các thiếu sót trên là do CĐT và các đơn vị tư vấn giám sát công trình không sát sao trong việc kiểm tra và nghiệm thu xác nhận khối lượng hoàn thành công trình; không kiểm tra lại khối lượng và đơn giá thanh toán dẫn đến thanh toán thừa khối lượng các nội dung công tác trên 538 triệu đồng.

Công tác quản lý tài chính của CĐT và các đơn vị thi công cũng còn nhiều sai phạm như: Chưa thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước trên 783 triệu đồng; CĐT mua sắm tài sản chưa đúng với quy định…

Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước 54,7 triệu đồng, nộp tài khoản chờ xử lý 1,17 tỷ đồng; chuyển 96 triệu đồng tiền lãi cho các đơn vị thi công công trình. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, CĐT và đơn vị tư vấn, đơn vị thi công tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh những đơn vị liên quan đến các hạn chế, sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện Đề án.

Hồng Minh - Bảo Anh - Nguyễn Dung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm