Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bị kỷ luật vì đi khiếu nại (?)

Thứ hai, 14/05/2012 - 14:57

(Thanh tra) - Tin cô Nguyễn Minh Châu, giáo viên Trường Tiểu học (TH) Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, bị kỷ luật và điều chuyển về trường khác vì có hành vi khiếu nại (KN) quyết định đền bù giải tỏa của chính quyền địa phương, đã gây xôn xao trong cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục tại địa phương.

Phần còn lại căn nhà của cô Châu sau khi bị giải tỏa

Áp đặt giá bồi thường

Năm 2005, thực hiện dự án (DA) xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn nhánh rẽ qua xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, nhà và đất của cô Nguyễn Minh Châu bị giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho DA. Diện tích căn nhà bị giải tỏa 23,40m2/42,12m2, chiếm 56% (phần nhà còn lại 18,72m2), diện tích đất bị giải tỏa 35,4m2/60,7m2, chiếm 58% (phần đất còn lại 25,3m2)... Căn cứ Nghị định 197/NĐ-CP và Phương án đền bù của UBND tỉnh ban hành, trường hợp hộ dân bị giải tỏa từ 50% diện tích nhà và đất trở lên thì phải bồi thường 100%, như vậy, cô giáo Nguyễn Minh Châu thuộc diện được bồi thường 100% nhà và đất, được hỗ trợ ổn định sản xuất, hỗ trợ nghề, bố trí tái định cư....

Tuy nhiên, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Châu Thành không cho gia đình cô Châu nhận tiền bồi thường 100% nhà và đất bị thiệt hại, không bố trí tái định cư và các hỗ trợ khác, trong khi một phần căn nhà cô Châu là tiệm may, cho thuê đồ cưới, có giấy phép kinh doanh và đóng nghĩa vụ thuế đầy đủ.

Thậm chí, cán bộ Ban BTGPMB còn tự động di dời dấu sơn đỏ GPMB ra phía gần mặt đường để làm... giảm diện tích nhà và đất của gia đình cô Châu, trong khi cột mốc GPMB vẫn được cắm ở vị cũ (?).

Điều mà nhiều người dân phản ứng là việc UBND huyện Châu Thành ban hành quyết định thu hồi đất năm 2005 nhưng lại áp giá đền bù năm 2002 là thực hiện không đúng Nghị định 197/NĐ-CP của Chính phủ. Trong lúc các hộ gần nhà cô Châu chỉ bị giải tỏa một phần diện tích nhà và đất, lại được Ban BTGPMB huyện ưu ái cho hưởng vượt các quy định của phương án đền bù. Đó là trường hợp hộ Trần Văn Muôn, Nguyễn Thị Hương chỉ bị giải tỏa chưa tới 1/3 nhưng vẫn được bồi thường toàn bộ căn nhà; hộ Vũ Thị Mỹ Linh, chỉ là mái che dựng trên đất của mẹ, để chứa rau cải, không có hộ khẩu, nhưng vẫn được hưởng chính sách hộ bị giải tỏa trắng; hộ Nguyễn Văn Em, bị ảnh hưởng của DA là 30,30%, lại được nhận tiền hỗ trợ ổn định sản xuất, hỗ trợ dạy nghề... Chính vì thực hiện đền bù không công khai, không minh bạch, có sự thiên vị của Ban BTGPMB đã phát sinh KNTC kéo dài, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Thêm nữa, liệu có tiêu cực trong việc này?

Đổ lỗi do… hết thời hiệu?

“Dư luận thắc mắc, Hiệu trưởng Trường TH Tân Hiệp ký quyết định kỷ luật liệu có đúng thẩm quyền, trong khi giáo viên không sai phạm về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp?”

Việc cô giáo Nguyễn Minh Châu, với tư cách là một công dân KN về giá đền bù giải tỏa, thực hiện chính sách tái định cư là quyền công dân được quy định tại Luật KNTC, chỉ có điều, đơn của cô Nguyễn Minh Châu chưa được UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định thì UBND huyện Châu Thành ban hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ nhà ở, buộc cô Châu phải giao mặt bằng cho Ban BTGPMB.

Cùng thời điểm này, Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Châu Thành chỉ đạo Hiệu trưởng Trường TH Tân Hiệp ra quyết định kỷ luật cô giáo Nguyễn Minh Châu. Mặc dù việc công dân có đơn KN về giá đền bù giải tỏa và hoạt động của một giáo viên không liên quan gì với nhau, nhưng ngày 27/10/2008, Hiệu trưởng Trường TH Tân Hiệp ra quyết định kỷ luật cô Nguyễn Minh Châu bằng hình thức khiển trách, do vi phạm không chấp hành các quyết định của UBND huyện và tỉnh.

Chưa dừng lại, ngày 16/1/2009, Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành còn ban hành thêm quyết định điều cô Châu chuyển công tác từ Trường TH Tân Hiệp về Trường TH Thân Cửu Nghĩa B mà không nêu rõ lý do (?).

Cô Châu rất bức xúc cho rằng, đây là 2 quyết định trù dập người KN, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của một giáo viên, trong khi cô Châu không vi phạm về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Hơn nữa, quyết định kỷ luật của Hiệu trưởng Trường TH Tân Hiệp là không đúng thẩm quyền, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một trường trung học.

Bị đẩy vào tình thế chẳng đặng đừng, vừa thiệt hại về vật chất, vừa tổn thất về tinh thần, cô Châu tiếp tục gửi đơn KN đến các cấp có thẩm quyền. Tại Kết luận giải quyết KN 409/UBND-TD ngày 13/2/2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang giao Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành xem xét, giải quyết KN của cô Nguyễn Minh Châu đúng theo thẩm quyền và trình tự, thủ tục luật định.

Cầm văn bản trên, cô Châu phấn khởi đến gặp lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, đề nghị sớm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, giải tỏa nỗi oan ức cho cô từ mấy năm qua thì được trả lời, việc KN kỷ luật của cô Châu đã... hết thời hiệu!

Dư luận và giới giáo chức ngành GD&ĐT huyện Châu Thành kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang cần kiểm tra, rà soát lại vụ KN của cô Nguyễn Minh Châu một cách khách quan, công bằng, làm rõ đúng sai và xử lý nghiêm những cán bộ cố ý làm trái quy định của pháp luật, trù dập người KN, để sớm chấm dứt vụ việc.


Minh Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm