Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

VAMC có đủ sức xử lý “núi” nợ xấu?

Thứ năm, 11/07/2013 - 13:43

(Thanh tra)- Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về khả năng giải quyết nợ xấu ngân hàng (NH) của Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tại buổi tọa đàm kinh nghiệm xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống NH tài chính, do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam (VPDF) tổ chức ngày 9/7.

Xử lý nợ xấu phải đi đôi với tái cấu trúc DN. Ảnh minh họa: Trần Quý

Câu chuyện về con số nợ xấu của NH vẫn là một trong những băn khoăn của các chuyên gia kinh tế trước khi VAMC đi vào hoạt động. 

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho biết: Đến nay, con số nợ xấu NH vẫn còn nhiều “bí ẩn”. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống (theo chuẩn cũ của Việt Nam) là 137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7 nghìn tỷ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012. Còn, nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07 cuối năm 2011.

Kinh nghiệm của ông Erwin Sheweisshelm, Trưởng Đại diện Viện FES (Đức) tại Hà Nội cho thấy, nợ xấu càng để lâu chi phí giải quyết càng đắt và hệ lụy càng nặng nề. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là hình thành quỹ công chúng và Cty quản lý tài sản Hàn Quốc; thành lập các cơ quan luật pháp để tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu DN và ngành Tài chính theo nguyên tắc thị trường. Kinh nghiệm của Trung Quốc là thành lập các Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng thực hiện các công việc bán, đấu giá, cơ cấu lại các khoản nợ xấu, chứng khoán hóa nợ xấu; hoán đổi nợ thành cổ phần. 
TS Nguyễn Đức Thanh nhận xét, nếu căn cứ vào tỷ lệ nợ xấu được NH Nhà nước (NHNN) công bố là 6% vào tháng 2/2013 và các số liệu nợ xấu khác thì nợ xấu của toàn hệ thống NH nằm trong khoảng 180 - 300 nghìn tỷ đồng.

Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, con số mới nhất nợ xấu NH tới 400 nghìn tỷ đồng (khoảng 20 tỷ USD). Điều đó có nghĩa là, nợ xấu NH vào khoảng hơn 12% chứ không phải là 6% như NHNN công bố.

VAMC là Cty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn, vốn điều lệ của Cty là 500 tỷ đồng. VAMC ngoài quyền năng phát hành trái phiếu đặc biệt với thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0% để hỗ trợ kéo các NH thương mại (TM) khỏi bờ vực phá sản còn có khả năng mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Tuy nhiên, theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, kỳ vọng vào “nước thánh” của VAMC không thực sự nhiều khi xét tới quy mô không gian khổng lồ của nợ xấu. Liệu một Cty có quy mô 500 tỷ đồng có làm teo đáng kể món nợ xấu gấp 500 tới 800 lần (250.000 - 400.000 tỷ đồng) mà nền kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu? Hơn nữa, bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đầy màu xám khi nợ xấu nằm chính ở khu vực doanh nghiệp (DN) Nhà nước, khu vực kinh tế chủ đạo và có hệ số ICOR thấp nhất trong các khu vực kinh tế. DN tư nhân phá sản hàng loạt, thị trường chứng khoán, nơi hút tiền đầu tư quan trọng nhất thì “lạnh lẽo” và thị trường bất động sản, nơi hàng đống tiền của các “ông lớn” đang bị kẹt thì đông cứng.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Hội đồng Tư vấn Tiền tệ Quốc gia cho rằng, VAMC chỉ là một công cụ trong rất nhiều cách thức giải quyết nợ xấu. Để VAMC thực sự có hiệu quả như kỳ vọng khi đi vào hoạt động cần có một quyền lực đủ mạnh, cần có sự độc lập nhất định và cần có sự hỗ trợ pháp lý đầy đủ. VAMC cần có quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng bán nợ xấu. Quyền lực của VAMC cần được giao cụ thể với nguồn ngân sách nhất định, gắn với một thời hạn cụ thể để xử lý các khoản nợ xấu đang ở mức cao.  

Xử lý nợ xấu phải đi đôi với tái cấu trúc DN, đặc biệt là DN Nhà nước. Để VAMC dễ dàng thu hồi các khoản nợ đã mua, cần xây dựng và phát triển khung pháp lý sẵn sàng cho một thị trường mua - bán và xử lý các tài sản xấu. Điều này giúp tránh trường hợp khi cần áp dụng một chính sách xử lý nợ nào đó thì lại gặp phải những cản trở về pháp lý trong thực thi. 

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy phát triển thị trường mua bán nợ để xã hội hóa nguồn cầu nợ xấu cũng là một trong những biện pháp quan trọng để thoát khủng hoảng. Tuy nhiên, phải có hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách vĩ mô tạo hành lang cho thị trường mua bán nợ vận hành trôi chảy như những thị trường khác và quan trọng nữa là có giải pháp ngăn ngừa nợ xấu tương lai. Điều này đạt được hay không còn tùy thuộc vào khả năng, ý chí chính trị vượt qua các nhóm lợi ích “tay to” đứng sau hoặc “trú ngụ” tại các NH, Cty chứng khoán, quỹ đầu tư và Cty tài chính”, ông Thành nói.

 Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm