Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 17/11/2017 - 11:03
(Thanh tra)- Nợ công vẫn là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu (ĐB) đặt ra, cũng như tranh luận trong phiên chất vấn tư lệnh ngành Tài chính - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại nghị trường Quốc hội (QH) ngày 16/11.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)
Giảm bội chi, giảm áp lực nợ công
Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), qua báo cáo triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2017 cho thấy, nợ công là mối quan tâm lớn của cử tri.
Hiện nợ công đã sát trần hơn 60% GDP là rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như huy động thuế, phí trên GDP giảm, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới. "Điều này ảnh hưởng như thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công thời gian tới?", ĐB hỏi.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành tài chính đã kéo bội chi ngân sách giảm từ 63,6% xuống còn 62%, song ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại khi nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh.
Ông Ngân dẫn chứng, năm 2010 chỉ khoảng 100 nghìn tỷ, đến 2017 đã lên tới 250 nghìn tỷ đồng. “Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, có giải pháp cụ thể thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển?”, ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh chất vấn.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Trả lời, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, áp lực trả nợ lớn, chúng ta phải có lộ trình giảm bội chi để giảm áp lực nợ công. "Chúng tôi đã trình QH ban hành nghị quyết 25 về Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 - 2020, đã giới hạn chỉ tiêu an toàn nợ công, theo đó trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54%, nợ nước ngoài không quá 50%", Bộ trưởng thông tin.
Người đứng đầu ngành Tài chính cam kết, sẽ xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi. Theo kế hoạch, năm nay bội chi 3,5%, năm 2018 là 3,7%, năm 2019 sẽ xuống 3,6% và xuống còn 3,4% vào năm 2020. Vay ODA cũng trong giới hạn 300.000 tỉ đồng cho cả giai đoạn 5 năm mà Quốc hội đã thông qua để bảo đảm cân đối chi trả nợ đầy đủ và đúng hạn.
Ông cũng đưa ra giải pháp về tăng cường thanh tra kiểm tra, minh bạch tài chính công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán...
Nợ công không xấu, nhưng…
"Vừa qua nợ công đã từng bước kiểm soát chặt chẽ, thể hiện qua các con số giảm dần trong các năm", Bộ trưởng nhấn mạnh và dẫn ra các con số, 2016 nợ công tăng 15% và 2017 còn 9% và đang chậm lại. Còn nợ trong nước 61%, nợ nước ngoài 39% là cơ cấu ổn hơn trước.
Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Tài chính, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) giơ biển tranh luận. “Vừa rồi Bộ trưởng đã nói nhiều đến kìm hãm nợ công nhưng điều quan trọng là hiệu quả đầu tư công. Các con số chỉ là vỏ bên ngoài, linh hồn là hiệu quả đầu tư ra sao. Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu”, ông Tuấn nói.
Theo ĐB đoàn Hà Nội, khi đầu tư công không hiệu quả sẽ gây thiệt hại kép. Nhà nước phải trả tiền gốc, tiền lãi, trả bù lỗ cho các doanh nghiệpnhà nước đã đầu tư không hiệu quả như 12 doanh nghiệp, tập đoàn thua lỗ vừa qua. Việc này gây đội vốn đầu tư, thất thoát rất nhiều tiền gây ảnh hưởng xấu đến nền sức khoẻ nền kinh tế đồng thời ảnh hưởng xấu uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
“Đề nghị Bộ trưởng trả lời song song báo cáo kìm hãm nợ công thì phải nói thêm đầu tư công hiệu quả ra sao. Nếu không đầu tư thì không phát triển được nhưng đầu tư không hiệu quả thì làm cho kinh tế còn xấu hơn”, ĐB nêu quan điểm.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (TP Hòa Bình)
Cũng lo lắng tình trạng nợ công đang tăng cao, đe dọa túi tiền quốc gia, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) hỏi, "tình trạng này có chấm dứt trong thời gian tới và giải pháp nào đảm bảo hiệu quả quản lý chất lượng đầu tư công 2015 - 2020?"
2017 đã phạt hơn 3.000 tỉ đồng chuyển giá
ĐB Vũ Thị Thủy (Hải Dương) chất vấn về giải pháp của Bộ Tài chính trước tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng.
Với vấn đề này, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian vừa qua, cơ quan thuế năm 2016 đã thanh tra hơn 1.000 cuộc thanh tra với doanh nghiệp FDI, truy thu hơn 1.300 tỉ đồng. Năm 2017, thanh tra đã truy thu và phạt hơn 3.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng cho rằng, chuyển giá không chỉ trong quá trình sản xuất, mà từ lúc đầu tư đã chuyển giá, ví dụ như kê khai giá thiết bị, máy móc cao lên để nâng mức khấu hao. Lúc sản xuất cũng vậy, doanh nghiệp thường kê khống giá nguyên vật liệu đầu vào. Đây là vấn đề lớn. Tới đây, Bộ Tài chính phải tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan.
Trong nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính đang triển khai nhiệm vụ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển cấp phép cho vay lại rõ trách nhiệm hơn và hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan địa phương để kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công. Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.
Tiếp tục tranh luận
“Chia lửa”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công, quyết định đầu tư khá tùy tiện, vượt khả năng cân đối của ngân sách, mỗi giai đoạn 5 năm có hơn 20 ngàn dự án, nhưng không rõ vốn đâu ra, do đó việc hoãn dự án rất nhiều. Đến giai đoạn 2016 – 2020, đã giảm rất nhiều, chỉ còn khoảng 1000 dự án kiểu như vậy mỗi năm.
Còn vấn đề nợ công, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vay nước ngoài là 300 ngàn tỉ đồng trong số 2 triệu tỉ trong giai đoạn 2016 - 2020. Tất cả các dự án vẫn nằm trong kế hoạch trung hạn này.
Chưa hài lòng với phần trả lời về nợ công, các ĐB tiếp tục tranh luận. Theo ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang), một trong những biện pháp để sử dụng hiệu quả đầu tư công là phải sử dụng hiệu quả. Trong đó tôi thấy có nguyên nhân các Bộ trưởng chưa đề cập đến, đó là giải ngân chậm.
"Nghe hai bộ trưởng trả lời về quản lý nợ công và ODA, tôi rất băn khoăn”, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói. Theo ông, hiện nay nợ công tăng cao, nhiều năm ngân sách trung ương không có số dư trả nợ. ODA nhiều năm vượt dự toán, thẳng thắn mà nói thì quản lý ODA hiện nay ngoài tầm kiểm soát. “Số nợ vay ODA quốc gia cần bao nhiêu thời gian trả nợ. Có giữ được trần nợ công không?", ĐB Hàm đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cũng tranh luận, câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính có tính khái quát cao, như vậy thì rất khó. Nhưng chính báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều bất cập, đặc biệt là việc thực hiện chính sách pháp luật không nghiêm chứ không phải là thiếu luật.
“Tồn tại này trong năm 2017 vẫn chưa được khắc phục, thì tới năm 2021 sẽ càng nghiêm trọng hơn. Tôi mong các Bộ trưởng xác định rõ trách nhiệm để khắc phục trong thời gian tới”, ĐB đoàn Hòa Bình nói.
Phó Thủ tướng: “Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”
Giải trình làm rõ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay nợ công ở mức 62,6% dưới mức trần cho phép của Quốc hội (65%), trong đó, nợ của Chính phủ đang là 51,8%, tỷ lệ chi trả nợ vay/GDP là 25%.
“Nhiều thành viên của Chính phủ, một số ĐBQH và một số chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và QH nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng cho biết.
Tán thành ý kiến ĐBQH vay không quan trọng, quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, “chúng ta vay để không thể tụt lại nhưng phải phát triển bền vững đối với ba trụ cột kinh tế- xã hội và môi trường, trong đó có nợ công”
Cho nên, để tạo môi trường phát triển kinh tế, xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả cạnh tranh; hoàn thiện chính sách thu hướng tới bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường chống thất thu và giải quyết nợ đọng thuế…
Theo Phó Thủ tướng, giảm thuế quan thì phải tính toán điều chỉnh các khoản thu thuế nội địa nhưng các khoản thu liên quan tới VAT và thuế thu nhập doanh nghiệplà hết sức thận trọng. Chúng ta giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu. Do đó, thay cho việc trước mắt bị hụt khoản thu thì phải đi sâu vào mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn cơ sở thuế, nhất là quản lý chứng từ hoá đơn và quản lý khu vực kinh tế phi thức thức để có nguồn thu lâu dài.
Trong chống gian lận thuế thì với khối FDI, phải đẩy mạnh hơn việc chống chuyển giá, thực hiên đăng ký giá trước theo luật quản lý thuế. Với thu nội địa thì tăng cường quản lý kinh tế phi chính thức, tăng cường chế độ hoá đơn điện tử.
Cùng với đó, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Trước đây mỗi năm chi thường xuyên chiếm tới gần 70% tổng mức chi ngân sách nhà nước thì năm 2017 chỉ còn chiếm 64,9% và dự kiến năm 2018 giảm còn 64% và tiếp tục giảm trong những năm tới.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Mã cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long liên tục tăng kịch trần trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, khiến công ty phải giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đông Hà
09:13 13/12/2024(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
PV
11:41 12/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
10:05 11/12/2024Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng