Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Thanh tra Chính phủ cần sớm hoàn thành thanh tra về giá điện

Thứ tư, 03/07/2019 - 18:02

(Thanh tra)- Phó Thủ tướng yêu cầu, Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Và trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị kiểm toán chuyên đề về giá điện

Ngày 3/7, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ họp về tình hình thực hiện công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm và dự báo, kiến nghị công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2019 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đề nghị năm 2020 kiểm toán chuyên đề về giá điện

Tại phiên họp, đánh giá cao các bộ, ngành đã phối hợp điều hành các mặt hàng, dịch vụ công do nhà nước quản lý phù hợp, kiểm soát được lạm phát kỳ vọng, nhưng Phó Thủ tướng lưu ý, việc điều hành tăng giá điện vừa qua còn chưa tốt ở khâu truyền thông cần phải rút kinh nghiệm.

Việc triển khai đấu thầu vật tư thiết bị y tế còn chậm; kênh đấu thầu thuốc tập trung còn khiêm tốn; rà soát các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực y tế còn chậm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đồng thời cho biết, trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện.

Đi vào công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, liên 2 Bộ Công Thương và Tài chính điều hành giá xăng hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân và nhà nước, tránh để Quỹ bình ổn xăng dầu xuống thấp như vừa qua.

Về giá BOT, Bộ Giao thông vận tải sớm trình Chính phủ tổng thể các giải pháp, đánh giá kỹ lộ trình, tác động của điều chỉnh giá, cả phương án hoàn vốn của các chủ đầu tư, nhất là phân loại nợ của ngân hàng, đảm bảo khả năng trả nợ.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế phải sớm xây dựng thông tư điều chỉnh kết cấu tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng vào thời điểm phù hợp của quý III/2019; hoàn tất rà soát các dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật; hoàn thành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ y tế trong tháng 10/2019. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế tính toán, đề xuất Ban chỉ đạo điều chỉnh bước 3 chi phí quản lý trong kết cấu giá.

CPI bình quân 6 tháng thấp nhất 3 năm qua

Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Diễn biến chỉ số này tương đối sát với dự báo từ đầu năm và nằm trong kịch bản.

Theo ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), nguyên nhân góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp là do giá lương thực giảm vì nguồn cung trong nước dồi dào; giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ cuối tháng 5 đến nay…

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu. 

Nhất là, điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến giá cả chung và lạm phát kỳ vọng.

Toàn cảnh phiên họp

Như đến nay đã có 8 địa phương đã điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không có bảo hiểm y tế. 

Song, trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng dầu, để tránh tác động đến tâm lý của người dân, thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương còn lại tạm dừng điều chỉnh, trừ trường hợp việc điều chỉnh giá y tế ở các địa phương tác động giảm đến CPI….

Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo dự báo, từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như: biến động của giá xăng dầu thế giới, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, việc điều chỉnh lương cơ sở, yếu tố rủi ro về dịch bệnh, thiên tai và thời tiết bất lợi…

Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: dự báo giá gạo trong nước và thế giới có khả năng giảm do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào; các mặt hàng vật liệu xây dựng ổn định; tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định…

kịch bản lạm phát 2019 đều ở mức từ 3,17 - 3,41%

Nhóm giúp việc dự báo 2 kịch bản tăng lạm phát bình quân cho cả năm 2019 đều nằm trong khoảng từ 3,17 – 3,41%, thấp hơn cả mục tiêu đặt ra từ phiên họp trước đó là CPI 3,3- 3,9% và thấp hơn cả CPI của năm 2018.   

“Với kịch bản trên, các mặt hàng, dịch vụ công do Nhà nước còn quản lý sẽ còn dư địa xem xét vào quý IV/2019”, ông Truyền cho biết.

Đồng tình với dự báo của Nhóm giúp việc về kịch bản lạm phát cả năm 2019, Phó Thủ tướng nêu rõ, “trong điều kiện lạm phát thấp sẽ thuận lợi hơn để điều chỉnh một số dịch vụ công, nhưng phải cân nhắc thời điểm, tránh cùng điều chỉnh trong một thời điểm làm gia tăng lạm phát, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào điều hành của Chính phủ, bảo đảm thu nhập và cuộc sống của người dân, tạo dư địa cho điều hành lạm phát trong năm sau”.

Ông yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin chính thống về quản lý, điều hành giá cho các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí; tăng cường công khai, minh bạch các thông tin về chỉ số đầu vào, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân.

Hương Giang 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm