Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 21/05/2019 - 18:29
(Thanh tra) - Mới đây, Bộ Công thương kiến nghị “có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện”. Trao đổi với báo chí, các ĐBQH lưu ý, Bộ cần lắng nghe, điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế…
Các ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn, Phạm Văn Hòa và Nguyễn Bá Sơn (tính từ trái sang). Ảnh: H.G
Trong báo cáo giải trình việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ 20/3, theo Bộ Công Thương, số lượng các khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc trên các phương tiện thông tin đại chúng không nhiều và đều đã được giải đáp đầy đủ.
Vì vậy, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền đúng chủ trương việc điều chỉnh giá điện; phản ánh chính xác, khách quan, không đưa thông tin trái chiều về giá điện.
Đồng thời “có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, các ĐBQH cho rằng, kiến nghị của Bộ Công Thương đưa ra là không hợp lý.
"Bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhất là khi chính sách đưa ra tác động trực tiếp tới họ, số đông người. Nếu cho rằng người dân phản ánh vấn đề tác động tới là xuyên tạc và muốn truy cứu thì không hợp lý", ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) nêu quan điểm.
Ông Tuấn cho hay, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp ông nhận được nhiều phản ánh của cử tri về chuyện tăng giá điện. Và thực tế đây là vấn đề dư luận quan tâm suốt thời gian qua.
Vì thế, thay vì kiến nghị xử lý cá nhân xuyên tạc về giá điện, theo vị ĐBQH đoàn Hà Nội, với trách nhiệm của mình Bộ Công Thương phải lên tiếng giải trình rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho hợp lòng dân.
Đề cập đến điểm bất cập hiện nay, ông Tuấn nêu, giá điện chia 6 bậc thang và định mức tính bậc 1 (0-50 kWh) khá thấp, không còn phù hợp với số đông và đời sống người dân đang tăng lên hiện nay.
Vì vậy, theo ông nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi, 100 kWh, để phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân.
"Chính phủ, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế", ĐBQH đoàn Hà Nội nói.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hoà, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nói, kiến nghị xử lý cá nhân cố tình xuyên tạc và báo chí không được đưa tin trái chiều về tăng giá điện là "không hay, gây phản cảm".
"Lộ trình, quy định tăng giá được cho Chính phủ cho phép nhưng khi thấy tiền điện tăng gấp đôi, ba lần chuyện người dân phản ánh là hợp lý. Tăng giá điện vừa qua người dân kêu nhiều lắm", ông Hoà nói.
Trước bức xúc của dư luận về tăng giá điện vừa qua, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật cho rằng, Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành cần xem xét lại và giải thích hợp lý.
"Kiến nghị như vậy là không đúng. Nếu yêu cầu xử lý phản ánh của người dân về giá điện thì chứng tỏ Bộ Công Thương không cầu thị", ông Hoà nhấn mạnh và kỳ vọng Chính phủ sẽ báo cáo, giải trình vấn đề này cặn kẽ để ĐBQH, cử tri nắm rõ.
“Tôi không biết ai xuyên tạc cái gì, thế nào nên không bình luận khía cạnh này. Nhưng giá điện không phải riêng ai mà cả xã hội, dư luận đang thắc mắc”, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó đoàn ĐBQH chuyên trách TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Theo vị ĐB đoàn TP Đà Nẵng, vấn đề thắc mắc ở đây cụ thể là giá điện giá bán lẻ bình quân tăng 8,36%, hoá đơn tiền điện thực tế lại tăng gấp đôi, gấp ba. Và người dân cho rằng biểu giá điện bậc thang đang chưa hợp lý, không còn phù hợp với thực tế cuộc sống phát triển hiện nay.
“Cái gì chưa phù hợp thì cần lắng nghe, nghiên cứu sửa đổi”, ông Sơn nói và nêu rõ, cách tăng giá điện ảnh hưởng tới đời sống người dân thế nào là việc cần cân nhắc.
Trước đó, thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của QH nhận định, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng nền kinh tế như việc tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế... ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực sản xuất…
“Đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói tại phiên khai mạc kỳ họp 7 ngày 20/5.
Ủy ban Kinh tế còn đề nghị, Chính phủ cần tăng cường dự báo, phân tích các diễn biến, đánh giá đầy đủ rủi ro bên ngoài, hạn chế nội tại của nền kinh tế và cảnh báo, đưa ra phương án dự phòng, điều chỉnh phù hợp tránh gây bất ổn kinh tế.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Vân Trang
14:15 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân