Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thép kiến nghị được hưởng giá điện bình đẳng

Thứ hai, 24/06/2013 - 22:41

(Thanh tra) - Sau khi Bộ Công thương công bố Dự thảo lần thứ 3 quyết định về cơ cấu giá bán lẻ điện, trong đó giá điện tính cho ngành Thép và Xi măng sẽ tăng từ 2% - 16% so với các ngành sản xuất khác với lý do không chính đáng, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có Văn bản số 37/HHTVN gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương.

Ngành Thép kiến nghị được hưởng giá điện bình đẳng. Ảnh: Trần Quý

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA cho biết, Văn bản số 37/HHTVN của VSA có 5 kiến nghị.

Thứ nhất, nếu như ngành điện có đủ lý do chính đáng để tăng giá điện, VSA hoàn toàn ủng hộ, song ngành thép phải được hưởng giá điện bình đẳng như các ngành sản xuất công nghiệp khác. Vì ngành thép từng được Chính phủ xếp loại ưu tiên đầu tư. Hiện nay, bình quân tiêu thụ thép theo đầu người của Việt Nam chỉ 120kg/người, còn rất xa so với mục tiêu của một nước công nghiệp, nên Việt Nam vẫn rất cần đầu tư cho ngành công nghiệp thép.

Thứ hai, mọi cam kết của Việt Nam về cải thiện môi trường đầu tư, trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư vào các dự án cần vốn lớn, ít hấp dẫn và có nhiều đặc thù như ngành thép sẽ trở thành vô nghĩa nếu chúng ta dùng những biện pháp phân biệt đối xử như chính sách giá điện dự kiến nêu trên.


Thứ ba, việc tiến tới tính đủ giá điện cho mọi ngành sản xuất công nghiệp trong đó có ngành thép là việc làm cần thiết. Nhà máy nào có khả năng cạnh tranh thì tồn tại và phát triển, nếu không sẽ tự phá sản. Các doanh nghiệp thép sẽ tự cấu trúc lại một cách tự nhiên đúng với quy luật kinh tế thị trường chứ không bị phá sản bởi biện pháp hành chính, ép buộc.

 Ngành thép đang gặp phải khó khăn từ đầu ra. Ảnh: Trần Quý

Thứ tư, để đạt được trình độ công nghệ tiên tiến với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và môi trường ngang tầm quốc tế, loại bỏ các công nghệ lạc hậu (trong đó có chỉ tiêu tiêu hao điện), Nhà nước cần sớm có lộ trình và quy định mức tiêu hao điện và mốc thời gian thực hiện để các doanh nghiệp có biện pháp và thời gian để phấn đấu thực hiện. Hơn nữa, việc "cào bằng" giá điện giữa các nhà sản xuất tiết kiệm điện và nhà sản xuất tiêu hao nhiều điện như đề xuất của dự thảo là không hợp lý.

Và cuối cùng, trước tình hình kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, VSA đề nghị xem xét lại thời điểm thích hợp để áp dụng nâng giá điện.

Được biết, nếu Dự thảo Quyết định về cơ cấu giá bán lẻ điện được Chính phủ thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm