Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngân hàng bơm 600.000 tỷ đồng có lo ngại?

Thứ ba, 24/10/2017 - 10:16

(Thanh tra)- Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017 từ mức 18% lên mức 21%. Tuy nhiên, đến ngày 20/9/2017, tín dụng mới chỉ tăng 11,02%, vẫn còn cách khá xa mục tiêu 21%. Liệu rằng trong 3 tháng cuối năm, tín dụng có thể đạt thêm 10% nữa hay không?

Với một lượng tiền lớn được bơm ra như vậy, nếu không kiểm soát thận trọng thì có thể xảy ra những hệ luỵ về sau. Ảnh: NL

Và để cán mốc tăng trưởng tín dụng ở mức trên 20% trong 3 tháng cuối năm, ngân hàng phải bơm ra 600.000 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ và sẽ tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Lo ngại lạm phát cho năm sau

Trao đổi với Báo Thanh tra, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nếu từ nay đến cuối năm chúng ta phải đẩy 10% trên tổng dư nợ của hệ thống, nghĩa là phải bơm ra khoảng 600.000 tỷ đồng trong 3 tháng. Như vậy, mỗi tháng, hệ thống ngân hàng sẽ bơm ra 200.000 tỷ đồng ra thị trường. Tổng số tiền phải bơm ra khoảng 600.000 tỷ đồng này bằng tổng tài sản của một ngân hàng cấp trung tại Việt Nam. “Đây là con số không nhỏ khi tiền được bơm mạnh tay như vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta không nên lo ngại về nền kinh tế có hấp thụ được vốn hay không, thậm chí, chúng ta muốn thì số tiền bơm ra nhiều hơn nữa vẫn có thể đạt được. Bởi nền kinh tế hiện nay dòng vốn vẫn phụ thuộc vào ngân hàng là chính”, ông Hiếu khẳng định.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động

Bảnglãi suấttiền gửi công bố gần đây của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB) tăng đều 0,2% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, như kỳ hạn 1 - 5 tháng tăng từ 4,8% lên 5,0%, 6 tháng tăng từ 5,2% lên 5,4%...

Cùng thời điểm, DongA Bank cũng tăng lãi suất, cụ thể kỳ hạn 1 tháng tăng 0,6%, 2 tháng tăng 0,5%, 3 - 4 tháng tăng 0,3%, 5 - 6 tháng tăng 0,2% và 7 tháng tăng 0,1%. Hiện tại, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của DongA Bank sau khi điều chỉnh đã ở mức kịch trần 5,5%.

Song song đó là nhiều ngân hàng khác như BaoViet Bank tăng lãi suất 0,1 - 0,15% kỳ hạn 7 - 11 tháng. Saigonbank tăng từ 0,1 - 0,4% ở các kỳ hạn 2, 5, 9, 11, 18 và 24 tháng, Lienvietpostbank tăng 0,3% ở kỳ hạn 6 tháng.5,3% lên 5,5% và 9 - 11 tháng tăng từ 5,4% lên 5,6%.

Và hàng loạt ngân hàng huy động ngắn hạn đã ở mức kịch trần như VPbank, Vietbank, VNCB, GPBank… kỳ hạn từ 3-5 tháng cũng ở mức trần 5,5%.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động chỉ chiếm 10%, tuy nhiên tăng trưởng cho vay tới 11%. Điều đó cho thấy ngân hàng đang khát vốn. Với áp lực tăng trưởng tín dụng cao từ giờ đến cuối năm, sẽ tạo áp lực lên ngân hàng phải tăng huy động và tăng cho vay. Các ngân hàng muốn tăng cho vay để bơm tiền ra thị trường sẽ buộc phải tăng lãi suất để huy động vốn ra. Bởi vậy, việc kìm hãm lãi suất cả hai đầu là điều vô cùng khó khăn.

 Bất động sản sẽ là kênh hút vốn nhiều nhất

Vậy làm cách nào để ngân hàng đẩy được 200.000 tỷ đồng mỗi tháng ra thị trường? Chuyên gia tài chính Dương Vũ cho hay, nhu cầu vay vốn vào những tháng cuối năm cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phục vụ hàng Tết, xuất nhập khẩu… rất lớn. Vì thế, không có gì khó hiểu nếu tín dụng những tháng cuối năm tăng mạnh và được bơm ra nhiều nhất.

Tuy nhiên, bơm ra 200.000 tỷ đồng vẫn là con số rất lớn, vậy bơm bằng cách nào khi thời gian còn lại ngày càng ít. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bất động sản sẽ là kênh hút vốn nhanh nhất và nhiều nhất. “Trong 200.000 tỷ đồng tôi cho rằng tỉ lệ dành cho bất động sản và chứng khoán chiếm tỉ lệ nhiều nhất”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Mới đây, Công ty Tư vấn thị trường DKRA Việt Nam đưa ra nghiên cứu, trong quý IV/2017, thị trường căn hộ TP HCM sẽ tung ra khoảng khoảng 10.000 - 14.000 căn. Phân tích thị trường cho thấy, nhu cầu vẫn tăng, sức hấp thụ tiếp tục được duy trì. Như vậy, nếu tính phân khúc căn hộ trung bình có giá khoảng 2 tỷ đồng/căn và khoảng 60 - 70% số lượng căn hộ giao dịch thành công thì sẽ bơm ra thị trường khoảng 16.000 tỷ đồng. Chưa tính số tiền bơm vào phân khúc nhà trên 2 tỉ, phân khúc nhà phố, biệt thự, đất nền.

Khảo sát này cũng chỉ thống kê thị trường bất động sản ở TP HCM chứ chưa thống kê thị trường khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Điều đó càng chứng minh rằng tăng trưởng tín dụng bơm ra nhanh nhất, nhiều nhất vẫn nhờ vào thị trường địa ốc. Một phần lớn cũng đổ vào thị trường chứng khoán.

Ông Hiếu cũng cho rằng, với lĩnh vực bất động sản, thị trường mua đi, bán lại khả năng hấp thụ nguồn vốn không bao giờ là đủ. Các chủ đầu tư chung cư, cao ốc, trung tâm… cũng rất cần vốn, nếu ngân hàng sẵn sàng cho vay hàng trăm triệu USD thì doanh nghiệp đến vay ngay. Thành ra, chúng ta không nên lo lắng thị trường có hấp thụ được vốn hay không mà có nên và bơm vốn ra thế nào mới là hiệu quả?

Nghiêm Lan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm