Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh tế Việt Nam và tín hiệu sáng đón Xuân

Thứ sáu, 31/01/2014 - 07:00

(Thanh tra) - Đã có nhiều báo cáo nghiên cứu, đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam 2001 - 2012, và thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay. Căn cứ vào các bằng chứng thực tiễn được phân tích một cách khoa học, nhiều chuyên gia đã thống nhất nhận định về độ khó của nền kinh tế Việt Nam và những nguyên nhân của nó, để từ đó hiến kế cho chủ trương tái cơ cấu, và kỳ vọng vào khả năng hồi phục, phát triển trong năm 2014…

Thực trạng…

Từ 2008 đến nay, kinh tế nước ta ã và đang trải qua thời kỳ khó khăn năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như GDP 2007 là 8,48%, đến năm 2008 giảm còn 6,18%, thì cả năm 2013 là 5,42%, so kế hoạch là 5,5%.

Nhìn từ cơ cấu tăng trưởng GDP, nhiều chuyên gia có ý kiến, tăng trưởng kinh tế ở nước ta chủ yếu theo số lượng. Việc tăng trưởng do yếu tố đầu tư vốn chiếm khoảng 57,5%, do tăng lao động khoảng 20%. Cả hai yếu tố chiếm khoảng 77,5%, còn yếu tố năng suất và hiệu quả chiếm 22,5%, trong lúc đó ở các nước khu vực, yếu tố năng suất và hiệu quả chiếm 36% - 40%.

Bên cạnh nguyên nhân từ bên ngoài, khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng ở nước ta. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thực trạng hiện nay của nền kinh tế nước ta còn là do ba “lớp nguyên nhân nội tại”: Lớp nguyên nhân trực tiếp chính là chuyển trọng tâm chính sách, thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thắt chặt tài khóa, thắt chặt tiền tệ và tín dụng, lãi suất cao, hạn chế, khống chế vốn tín dụng cho các ngành nhạy cảm, “phi sản xuất”…; 

Lớp thứ hai là các yếu tố buộc chúng ta phải thay đổi trọng tâm chính sách bằng Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 và Kết luận 02/KL-TW ngày 16/3/2011... Cụ thể, từ 2006, dưới áp lực của đẩy mạnh tăng trưởng, chúng ta đã chú trọng gia tăng đầu tư; Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ buộc phải mở rộng để hỗ trợ  đầu tư và tăng trưởng. Điều đó kết hợp với dòng vốn bên ngoài gia tăng cao, đã làm cung tiền tệ trở nên quá mức, làm nền kinh tế tăng trưởng nóng, lạm phát cao và bất ổn lớn về kinh tế vĩ mô;

Lớp nguyên nhân thứ ba, là yếu kém của cơ cấu và lạc hậu của mô hình tăng trưởng với hệ thống thể chế không còn phù hợp, hệ thống khuyến khích thiên về thúc đẩy hành vi “trục lợi địa tô” thay vì đầu tư tạo ra lợi nhuận, nâng cao giá trị gia tăng. 

Trong bối cảnh đó, ngay từ 2006 - 2007, thay vì đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng ta ã ưu tiên kích thích tăng trưởng theo mô hình không còn phù hợp. Điều này làm cho phân bố nguồn lực vốn sai lệch, kém hiệu quả càng sai lệch và kém hiệu quả hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, tiến trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra dưới tác động doanh nghiệp nào mất sức cạnh tranh, phải tái cơ cấu lại mới có thể tạo lập sức cạnh tranh mới nhằm chiếm lĩnh thị trường. Có 2 yếu tố quyết định, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu là sự tiến bộ của công nghệ và sự thay đổi của thị trường làm thay đổi chi phí sản xuất. 

Nhìn chung, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã kéo dài nhiều năm; và mới “cất cánh” không lâu, đã dần mất động lực để “bay” tiếp. Nguyên nhân cơ bản là những yếu kém, lạc hậu của cơ cấu kinh tế; thể chế hiện hành về phân bố nguồn lực đang làm trầm trọng thêm những yếu kém đó của nền kinh tế. 

Với cách nhìn đó, giải pháp cho nền kinh tế không phải là những tính toán ngắn hạn (như cung tiền, tín dụng, đầu tư năm nay là bao nhiêu), cũng không phải là những “gói” cứu một hay một số ngành,... mà phải là đổi mới căn bản hệ thống động lực khuyến khích huy động và phân bố nguồn lực, và sử dụng có hiệu quả hơn, tạo ra lợi nhuận và giá trị gia tăng ngày càng cao hơn.

… những quyết tâm

Trước bối cảnh trên, quyết định tái cơ cấu kinh tế đã được đưa ra nhằm giúp nền kinh tế vượt qua những khó khăn trước mắt; đồng thời, kịp thời điều chỉnh cơ cấu để thích ứng với những điều kiện nội tại và khách quan mới và vượt qua những thách thức có thể dự đoán trước trong tương lai để vươn lên.

Từ tháng 10/2011, Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) đã bàn và quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, trong 5 năm tới, cơ cấu lại nền kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Ngày 19/02/2013, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn năm 2013 - 2020 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và hơn một năm qua, các Bộ, ngành, địa phương, cũng đã có nhiều hoạt động và phương hướng để thực hiện chủ trương này. 

Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho SXKD gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ngày 10/5/2012, Chính phủ đã có Nghị quyết 13/NQ-CP với nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bằng các chủ trương gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN; Giảm, miễn thuế TNDN; Giảm tiền thuê đất; Tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn; Đẩy nhanh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư...  Đây được coi là chìa khóa tháo gỡ những khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển.

Cùng với đó, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, và Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… cũng được thực thi hóa bằng Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 2013; Nghị định 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 bổ sung Nghị định 75/2011/NĐ- CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. 

Cùng với đó các đề xuất về giảm thuế GTGT, thuế TNDN theo Nghị quyết 02/NQ- CP cũng đã được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, và đã được Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII xem xét quyết định. Đồng thời, các nội dung đổi mới quản lý Nhà nước, cải thiện quản trị DN; quy chế công bố thông tin về hoạt động của các công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, trọng tâm là công ty mẹ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước tại Đề án hoàn thiện quản trị DN theo thông lệ thị trường cũng được thể chế hóa thực thi bằng Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn có Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước giai đoạn 2012 - 2015, và chỉ đạo chấm dứt đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015. Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. Chỉ thị 11/CT-TTg về một số nhiệm vụ triển khai từ 2013 - 2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.

Cùng với đề án tái cơ cấu, Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng Dự thảo Đề án thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN và đề án tách chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Có thể nói, quyết tâm đã được cả xã hội, toàn hệ thống chính trị đồng sức thực thi. Và một năm qua đã mang lại nhiều kết quả bước đầu khả quan. Theo đó, cân đối vĩ mô được điều tiết để tổng đầu tư của nền kinh tế được duy trì ở tỷ lệ 30 - 35% GDP; Nhà nước huy động vốn đầu tư với tỷ trọng 35-40% tổng đầu tư. Tổng chi ngân sách, 20-25% được dành cho đầu tư phát triển. Cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn được đổi mới để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí và nâng cao hiệu quả. Đặc biệt là mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng…

Hơn hết là những phản ánh từ kết quả tăng trưởng GDP. Dù chỉ tiêu 2013 đặt ra là 5,5%, con số thực hiện được là 5,42% vẫn cao hơn số 5,28% GDP 2012, tự thân những con số này cho phép kỳ vọng một điểm sáng cho nền kinh tế trong năm mới 2014…

Tấn Lộc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm