Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh tế năm 2018 vẫn còn nhiều thách thức

Thứ sáu, 08/12/2017 - 13:04

(Thanh tra)- Đó là dự báo được các chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp (DN) đưa ra tại Diễn đàn DN 2018 do Báo Diễn đàn DN tổ chức ngày 7/12.

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: TQ

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù còn gần 1 tháng nữa, nền kinh tế Việt Nam mới về đích 2017, nhưng những số liệu thống kê đến thời điểm này cho thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017 khá sáng sủa và những mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đã gần như đạt được.

“Đặc biệt, theo các khảo sát động thái của DN do VCCI thực hiện gần đây đều cho thấy, niềm tin của DN đang trở lại. Số lượng DN được thành lập mới tăng ở mức kỷ lục, trên 100 ngàn DN mỗi năm. Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu”, ông Phòng nhấn mạnh.

 Theo dự báo, kinh tế năm 2018 vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: TQ

Tuy nhiên, theo ông Phòng, nhiều dự báo cho thấy trước mắt năm 2018 vẫn còn nhiều thách thức. 

Ngoài các yếu tố khách quan, còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; DN trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…

Thực tế cho thấy, dù chúng ta có gần 700 ngàn DN đang hoạt động, nhưng trên 60% DN vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi. Số DN thành lập mới tăng lên (11 tháng có 116 ngàn DN thành lập mới), nhưng số DN ngừng hoạt động và giải thể cũng chưa giảm như kỳ vọng…

“Trước hết phải khẳng định đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào sự phát triển là trên 40% GDP. Tuy nhiên, có đến 35% GDP trong đó là hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh và hộ làm nông nghiệp, 650.000 DN lại chỉ đóng góp 6 - 7% GDP, đây là chưa tương xứng”, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia tài chính ngân hàng nói.

Theo ông Ánh, để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân nói chung, DN Việt Nam nói riêng không chỉ trở thành một trong những "bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" mà cũng “thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” thì đa dạng hóa nguồn lực tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Chế biến và XNK (APROCIMEX) cho rằng, hiện nay dù DN đang đứng trước nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

 Để thành công các DN cần phải có kế hoạch cụ thể. Ảnh: TQ

Thứ nhất, DN khó khăn về nguồn vốn. Vốn đâu ra để thực hiện ý tưởng trong nền kinh tế không có tích luỹ tư bản chủ nghĩa, DN tư nhân đi lên từ hai bàn tay trắng? Do đó, DN gặp khó là không có vốn. Muốn đề ra những kế hoạch phát triển nhưng DN lại gặp khó nhất về nguồn vốn. Đây là câu hỏi cho chính sách?

Thứ hai là về chính sách, rủi ro chính sách hiện lớn hơn cả rủi ro về thời tiết. Làm DN sợ nhất là rủi ro tài chính. Ví dụ như BOT cực nhiều rủi ro, cho nên, những chuyên gia và nhà hoạch định chính sách khi tham gia bàn thảo với Chính phủ để xây dựng chính sách, đừng có những quy định trước bị vô hiệu hóa rất nhanh, làm DN trở tay không kịp.

Thứ ba, về vấn đề thị trường, trong khi thế giới là thị trường mở thì thị trường của chúng ta còn tủn mủn, việc xúc tiến, hỗ trợ phát triển thị trường được giao cho Bộ Công thương chưa ổn, thậm chí chưa có những sản phẩm mũi nhọn cho từng thị trường mũi nhọn. Hay như Luật cho chăn nuôi, hiện có đến 3 Luật Chăn nuôi…

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm