Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 21/04/2016 - 10:57
(Thanh tra)- Công nghệ thông tin (CNTT) là một yếu tố cốt lõi góp phần quyết định sự thành công trong hoạt động của mỗi ngân hàng. Trong suốt chặng đường hoạt động của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đặc biệt trong 20 năm hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại (1995 - 2015), BIDV được biết đến như một định chế hàng đầu của Việt Nam tiên phong trong hội nhập với các ngân hàng khu vực và thế giới; với sự phát triển vượt bậc về quy mô, tài sản, hệ thống mạng lưới dịch vụ cũng như công tác quản trị điều hành.
Những bước ngoặt chông gai
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy CNTT BIDV đã trải qua không ít khó khăn, thử thách nhưng đúng là “lửa thử vàng” - thời gian đã ghi nhận những nỗ lực, cũng như sự phát triển mang tính lịch sử của CNTT đối với BIDV. CNTT luôn gắn liền với quá trình đổi mới mô hình tổ chức và quản trị NHTM. Từ những ngày đầu còn chập chững, với đầy khó khăn, khi các thế hệ lãnh đạo BIDV quyết định dốc sức ươm mầm, đầu tư tâm huyết cho CNTT thì đến nay CNTT BIDV đã lớn mạnh, vươn xa, đóng góp hữu hiệu nhất cho sự phát triển của BIDV… BIDV luôn nhận thức rõ ràng và coi trọng phát triển CNTT ở vị trí số 1, là tiền đề phát triển ngân hàng hiện đại, sớm đưa BIDV trở thành ngân hàng số; tiếp tục đi đầu và hội nhập nhanh; xác định mục tiêu để bắt kịp các ngân hàng tiên tiến trên thế giới thì cần có sự phát triển đột phá về CNTT.
Ở giai đoạn Khởi đầu (1991-1998), trước thời kỳ đổi mới, BIDV là một ngân hàng chuyên doanh, thực hiện công tác cấp phát và cho vay theo kế hoạch nhà nước, công nghệ ngân hàng và CNTT còn vô cùng lạc hậu, thô sơ. Đứng trước các khó khăn và thách thức đó, tháng 07/1991, Ban Lãnh đạo BIDV đã có quyết sách thay đổi kịp thời, đánh dấu sự hình thành hoạt động CNTT tại BIDV, với việc thành lập Tổ điện toán thuộc phòng Thống kê tin học với nhân lực là 3 cán bộ và tài sản ban đầu chỉ là 2 chiếc máy tính AT286 hiệu FujiKama, với nhiệm vụ đầu tiên chỉ là việc tổng hợp báo cáo cân đối tháng của toàn hệ thống (công việc trước đây do Trung tâm tính toán NHNN hỗ trợ). Đến đầu năm 1992, máy tính được sử dụng để tổng hợp số liệu và lên cân đối hằng ngày tại Chi nhánh Sở giao dịch 1, TP.HCM và Hà Nội.
Từ 2 chiếc máy tính đầu tiên, BIDV đã nhanh chóng đầu tư trang bị máy tính tới các chi nhánh lớn. CNTT đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ về vai trò ứng dụng CNTT trong hoạt động ngân hàng; đã từng bước thay đổi thói quen quản lý kế toán ngân hàng từ thủ công sang quản lý bằng máy vi tính.
Năm 1993, BIDV trở thành ngân hàng đi đầu trong hoạt động huy động tiết kiệm bảo đảm bằng vàng với sự trợ giúp của chương trình quản lý giao dịch trên máy tính. Song song với đó, BIDV cũng đã triển khai chương trình đối chiếu thanh toán liên ngân hàng tập trung. Chương trình ngay lập tức đã nâng cao tốc độ thanh toán liên chi nhánh, rút ngắn thời gian thanh toán từ 10-15 ngày xuống còn 3-5 ngày.
Năm 1995, BIDV chính thức trở thành NHTM, theo đó, hoạt động CNTT cũng đã có những đổi mới đáng kể với việc triển khai các chương trình giao dịch ngân hàng SIBA, hệ thống máy tính tại các chi nhánh được nối mạng LAN và hoạt động kế toán giao dịch được thực hiện tức thời trong phạm vi chi nhánh.
Năm 1996, Chương trình ứng dụng CoreBanking IBS (do BIDV tự phát triển) đã làm hoạt động CNTT BIDV có sự chuyển biến mạnh mẽ. Chương trình đã quản lý được các nghiệp vụ quan trọng của ngân hàng như: quản lý khách hàng, tiền gửi, tín dụng, thanh toán quốc tế và tạo bảng cân đối kế toán trong phạm vi chi nhánh. Nhờ đó BIDV đã thực sự tin học hóa hầu hết các nghiệp vụ chính này trong hoạt động ngân hàng.
Năm 1997, với việc triển khai thành công hệ thống thanh toán tập trung (T4), lần đầu tiên BIDV tập trung được tài khoản thanh toán VND của các chi nhánh tại TSC, với cơ chế hoạt động của chương trình là xử lý tập trung tại TSC và đối chiếu phân tán tại các chi nhánh vào cuối ngày giao dịch.
Giai đoạn Chuyển đổi (1999-2004), đứng trước yêu cầu phải phát triển để đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, BIDV đã xác định yêu cầu đối với hoạt động CNTT: Phải có trang thiết bị hiện đại, các phần mềm ứng dụng phải được tích hợp thành một hệ thống tiên tiến bao quát mọi lĩnh vực nghiệp vụ kinh doanh, và quản trị ngân hàng. Thách thức đó đòi hỏi cả về nguồn vốn đầu tư, nâng cao số lượng và trình độ cán bộ, các giải pháp kỹ thuật phải theo trình độ của các ngân hàng nước ngoài… Theo đó, BIDV đã thực hiện việc chuyển đổi hệ thống CNTT từ thấp đến cao với việc triển khai Dự án hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán do WB tài trợ và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ trực tiếp.
Đến 2004, BIDV đã hoàn thành triển khai và đưa vào sử dụng hệ thống Corebanking SIBS. Hệ thống đã làm thay đổi toàn bộ hoạt động BIDV: cho phép thực hiện giao dịch trực tuyến 24/7 trong phạm vi toàn quốc; lần đầu tiên tại Việt nam, việc gửi một nơi rút nhiều nơi thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng BIDV; giúp đưa các quy trình kinh doanh, xử lý giao dịch khách hàng, lưu trữ thông tin khách hàng, hệ thống báo cáo tiệm cận thông lệ quốc tế... đồng thời cũng làm thay đổi bộ mặt CNTT của BIDV từ khâu quản trị điều hành đến hoạt động kinh doanh tại Trụ sở chính và các chi nhánh BIDV, các sản phẩm đưa ra thị trường liên tục tăng qua các năm với hàm lượng công nghệ thông tin ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.
Đến đột phá thành công
Giai đoạn Đột phá/hiện đại hóa bắt đầu từ năm 2005 đến nay. Theo đó, từ năm 2005, hệ thống ngân hàng Việt Nam bước vào giai đoạn cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng đã chuyển sang cạnh tranh về chất lượng sản phẩm dịch vụ và các tiện ích CNTT cho khách hàng. Đồng thời, sự phát triển vũ bão của CNTT đã xâm nhập, chi phối mọi lĩnh vực hoạt động đời sống xã hội. Trong xu thế đó, BIDV xác định CNTT và nguồn nhân lực là 2 điều kiện quyết định sự phát triển của BIDV để đủ sức cạnh tranh và hội nhập. Theo đó, BIDV đã không ngừng cải tiến đổi mới mô hình hoạt động, trong đó có mô hình quản lý CNTT, chuyển dần từ mô hình quản lý CNTT phân tán sang quản lý CNTT tập trung, tách bạch giữa công tác quản trị CNTT và triển khai, vận hành hệ thống CNTT, từng bước hoàn thiện mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đưa hàng loạt các giải pháp CNTT ngân hàng hiện đại vào ứng dụng, cung cấp ngày càng nhiều các sản phẩm dịch vụ ngân hàng chất lượng cao đến khách hàng.
Đến nay, BIDV đã Xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại, đủ sức phục vụ vận hành hoạt động của cả hệ thống BIDV; hệ thống các phần mềm ứng dụng CNTT tiên tiến, đồng bộ, liên thông, bao quát mọi hoạt động, quản lý gần 8 triệu khách hàng và xử lý gần 1,7 tỷ giao dịch/năm; mô hình quản trị CNTT tiên tiến phù hợp với thông lệ quốc tế và quy mô phát triển của BIDV; Đội ngũ cán bộ CNTT lớn mạnh, không ngừng phát triển, với khoảng 700 cán bộ được đạo tạo bài bản, có trình độ cao, tâm huyết trung thành với BIDV và khẳng định thương hiệu cán bộ CNTT BIDV đủ sức quản lý, triển khai, vận hành một hệ thống CNTT quy mô lớn.
Như vậy, CNTT BIDV đã phát triển một bước dài Từ không đến có, Từ thấp đến cao. Đến nay, CNTT BIDV đã khẳng định vị thế và được cộng đồng tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước ghi nhận đánh giá là một trong những Ngân hàng có hệ thống CNTT hàng đầu tại Việt Nam. Uy tín và vị thế của CNTT, BIDV cũng được đánh giá cao. Hoạt động CNTT đã từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và kinh doanh của BIDV, là yếu tố then chốt phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ, nâng cao tính cạnh tranh, tăng trưởng và đổi mới mô hình hoạt động của BIDV khi Việt Nam bước vào hội nhập quốc tế.
Với sự nỗ lực trong các hoạt động phát triển và ứng dụng CNTT vào các hoạt động kinh doanh, BIDV được đánh giá là ngân hàng có hệ thống CNTT phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ được các tổ chức quốc tế và Việt Nam ghi nhận. BIDV liên tiếp được đánh giá vị trí số 1 về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng CNTT (Vietnam ICT Index) trong khối các NHTM Việt nam từ năm 2007 đến nay. Ngoài ra, BIDV cũng đạt được các giải thưởng danh giá khác như: “Doanh nghiệp lớn ứng dụng CNTT hiệu quả nhất”, “Ngân hàng Việt Nam tốt nhất về công nghệ và vận hành”, “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam”, "Ngân hàng điện tử tiêu biểu", “Lãnh đạo CNTT xuất sắc khu vực Đông Nam Á”… Các danh hiệu: “Sao Khuê”; "Nhân tài đất Việt", …
Đứng trước các thách thức của kỷ nguyên kỹ thuật số, BIDV xác định việc ứng dụng và đổi mới CNTT phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh của BIDV. Do đó, để tiếp nối các thành công, phát huy điểm mạnh, BIDV luôn luôn cải thiện hệ thống CNTT hiện tại; tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức; nắm bắt và phát triển theo các xu hướng phát triển CNTT; và đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu kinh doanh của BIDV giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030. Hoạt động CNTT BIDV sẽ được duy trì, hoàn thiện và phát triển để đáp ứng mục tiêu, định hướng đến năm 2030: Đưa BIDV thành Định chế tài chính có hoạt động CNTT đạt chất lượng, hiệu quả hàng đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam; Có hệ thống CNTT hiện đại ngang tầm các ngân hàng lớn trong khu vực Đông Nam Á.
Trà Vân
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Mã cổ phiếu TTL của Tổng công ty Thăng Long liên tục tăng kịch trần trong 5 phiên giao dịch liên tiếp, khiến công ty phải giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đông Hà
09:13 13/12/2024Theo VietinBank
21:28 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024Uyên Uyên
12:45 11/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình