Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần khắc phục tối đa thiệt hại từ tài sản bị chiếm đoạt

Chủ nhật, 25/12/2016 - 15:37

(Thanh tra) - Một trong các mục tiêu của việc xử lý các vụ án tham nhũng, chiếm đoạt, gây thất thoát là thu hồi tiền chiếm đoạt, khắc phục thất thoát. Chính vì vậy, xác định đúng tội danh của các cơ quan tiến hành tố tụng là tiền đề quan trọng, để từ đó có căn cứ quyết định thu hồi đúng và đủ số tiền các đối tượng vi phạm đã trục lợi.

Phạm Công Danh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Internet

Nhìn từ vụ án Phạm Công Danh, đã có ý kiến cho rằng, nếu hành vi của Phạm Công Danh là “chiếm đoạt tài sản” chứ không phải cố ý làm trái hoặc vi phạm quy định về cho vay “gây thiệt hại” cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thì quyết định thu hồi hơn 6.800 tỷ đồng của TAND TP HCM đã tuyên trong phiên toà xét xử sơ thẩm sẽ thay đổi hoàn toàn về chất và lượng.

Thu hồi phụ thuộc vào tội danh
Chiếm đoạt tài sản là biến tài sản của người khác thành tài sản của mình bằng những hành vi trái pháp luật. Gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật làm mất tài sản, giảm giá trị tài sản của người khác nhưng không có tính chất chiếm đoạt. Tùy từng hành vi và các yếu tố khác mà tội danh được xác định tương ứng theo quy định của pháp luật nhưng nhóm tội chiếm đoạt và gây thiệt hại là hai nhóm tội khác biệt. Ngoài trách nhiệm của chính người phạm tội bằng tài sản của mình, do sự khác biệt về tính chất giữa hai nhóm tội này nên việc thu hồi tiền khắc phục hậu quả từng nhóm tội cũng khác nhau.

Với hành vi chiếm đoạt, pháp luật có quy định về việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, tiền chiếm đoạt dùng mua nhà thì sẽ thu hồi nhà, tiền chiếm đoạt mua xe thì sẽ thu hồi xe, tài sản tẩu tán nhờ người khác đứng tên cũng bị thu hồi (như vụ án Giang Kim Đạt)…

Với hành vi gây thiệt hại, chỉ có thể khắc phục thiệt hại bằng tài sản của chính người phạm tội, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có không đặt ra vì không có hành vi chiếm đoạt, tài sản được xác định thiệt hại đã bị mất hoặc giảm giá trị do hành vi phạm tội. Cũng không thể truy thu số tiền từ các giao dịch mà người phạm tội đã thực hiện nếu các giao dịch này hợp pháp.

Một người không thể bị tước bỏ quyền sở hữu tài sản của mình nếu không có những căn cứ pháp lý xác định người đó vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm về tài sản. Trong các vụ án vi phạm quy định về cho vay, khi ngân hàng cho vay trái pháp luật, bị thiệt hại do không thu hồi được tiền vay, khách hàng đã sử dụng tiền vay để đóng thuế, trả lương, mua sắm tài sản cố định, trả nợ… thì không thể thu hồi tiền thuế đã đóng cho Nhà nước, tiền lương đã trả cho người lao động, tiền mua tài sản cố định đã trả cho người bán, tiền nợ đã trả cho chủ nợ… Tiền vay thiệt hại trong trường hợp này chỉ có thể thu hồi từ tài sản bảo đảm cho khoản vay, tài sản khác của người vay và từ việc bồi thường của những người phạm tội.

Trong vụ án Dương Chí Dũng cố ý làm trái tại Vinalines, cơ quan tố tụng không thu hồi tiền mà Dương Chí Dũng đã dùng để mua ụ nổi cũng như các chi phí khác. Trong vụ án Phạm Thanh Bình cố ý làm trái tại Vinashin, cơ quan tố tụng không thu hồi tiền mà Phạm Thanh Bình đã dùng để mua tàu Hoa Sen. Đây là số tiền được xác định là Dương Chí Dũng, Phạm Thanh Bình gây thiệt hại cho Nhà nước.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng là thu hồi tiền, khắc phục tối đa thiệt hại từ tài sản bị chiếm đoạt, từ tài sản của người phạm tội, tránh tẩu tán tài sản, chứ không phải là chủ trương khắc phục hậu quả từ các giao dịch hợp pháp.

Bảo vệ các giao dịch hợp pháp, ngay tình

Trong các trường hợp đã nêu trên, Bộ luật Dân sự có quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 trong các giao dịch hợp pháp (ngay tình), theo đó thì các giao dịch này vẫn được thừa nhận, bên thứ 3 không phải trả lại các tài sản đã nhận nếu giao dịch là hợp pháp. Quy định này nhằm bảo vệ sự ổn định của các giao dịch dân sự, của môi trường kinh doanh. Nếu không có các quy định này, các ngân hàng thu nợ vay, trả lại tài sản thế chấp cho khách hàng vẫn có thể bị thu hồi số tiền đã thu nợ do tiền có nguồn gốc tội phạm. Cá nhân A trả tiền cho cá nhân B, B trả tiền cho C, C dùng tiền trả cho D… , nếu xác định tiền có nguồn gốc tội phạm mà thu hồi, không tính đến yếu tố ngay tình thì các giao dịch sẽ rối loạn.

Quy định bảo vệ các giao dịch hợp pháp, ngay tình cũng bảo đảm cho các doanh nghiệp, cá nhân có thể kiểm soát, dự đoán được các rủi ro pháp lý, có thể yên tâm trong các giao dịch dân sự, kinh doanh hợp pháp. Nếu không bảo vệ các giao dịch hợp pháp, nếu có thể thu hồi tài sản có nguồn gốc tội phạm mà không tính đến các giao dịch hợp pháp thì rủi ro có thể xảy ra với bất cứ ai, không thể dự đoán. Các doanh nghiệp, cá nhân không có cách nào để thẩm tra, xác định tiền, tài sản mà đối tác của mình dùng để thực hiện giao dịch có nguồn gốc tội phạm hay không. Người bán phở không thể bắt khách hàng chứng minh tiền của mình là “sạch”, ngân hàng không thể bắt khách hàng chứng minh tiền trả nợ là không có nguồn gốc tội phạm …

Nhìn từ vụ án Phạm Công Danh

Trong vụ án Phạm Công Danh, Bản án sơ thẩm đã quyết định thu hồi hơn 5.800 tỷ đồng từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích để trả cho VNCB với lý do số tiền này có nguồn gốc từ hành vi cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay của Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB. Toàn bộ số tiền được trả cho các cá nhân đều xuất phát từ các giao dịch ngay tình, hợp pháp trước đó. Không chỉ thu hồi tiền từ những giao dịch ngay tình, Bản án sơ thẩm còn khôi phục một loạt khoản vay đã được nhiều cá nhân trả nợ, thanh lý với VNCB do nguồn tiền trả nợ xuất phát từ hành vi phạm tội của Phạm Công Danh.

Theo hồ sơ vụ án, Phạm Công Danh đã rút ra hơn 18.000 tỷ đồng từ VNCB, toàn bộ số tiền này Phạm Công Danh sử dụng mua cổ phần cho mình, trả nợ, chi tiêu… Trong đó, không xác định được địa chỉ đến 4.500 tỷ đồng. Trong số tiền xác định được địa chỉ thì có nhiều khoản cùng tính chất, cùng hành vi, cùng vụ án lại không bị thu hồi như khoản 2.600 tỷ đồng Phạm Công Danh rút từ VNCB trả cho BIDV, 36 tỷ đồng trả lãi cho Sacombank…

Đây là vấn đề được các bên tranh luận rất căng thẳng trong phiên tòa sơ thẩm. Sau khi Tòa ra phán quyết, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích đã có đơn kháng cáo và kiến nghị gửi đến các cấp đề nghị xem xét. Các cá nhân này cho rằng VNCB có lỗi, có nhiều sai phạm khi để Phạm Công Danh rút tiền nhưng không phải chịu trách nhiệm, thiệt hại đã bị đẩy cho người ngay tình, không có lỗi phải gánh chịu.

Luật sư Nguyễn Đức Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng tăng lãi suất, khuyến cáo khách hàng tránh sập bẫy mã QR giả

Ngân hàng tăng lãi suất, khuyến cáo khách hàng tránh sập bẫy mã QR giả

(Thanh tra) - Đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong 2 tháng qua, mức tăng từ 0,1-0,7% tùy kỳ hạn, và ngân hàng. Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi dao động từ 4,6-5,95%/năm. Các ngân hàng khuyến cáo chủ cơ sở kinh doanh chủ động rà soát các mã QR của mình nhằm phát hiện kịp thời và gỡ bỏ các mã QR giả mạo.

Uyên Uyên

12:45 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm