Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Tài chính công khai Quỹ BOG xăng dầu

Thứ ba, 09/07/2013 - 17:08

(Thanh tra) - Thực hiện công tác công khai Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG), hôm nay (9/7), Bộ Tài chính đã công bố tình hình trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG tính đến thời điểm tháng 6 năm 2013. Theo đó: Số dư Quỹ BOG đến ngày 1/1/2013 là 756,383 tỷ đồng. Tổng số trích Quỹ BOG đến ngày 30/6/2013 là 2.231,452 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ BOG đến ngày 30/6/2013 là 2.932,368 tỷ đồng. Số dư Quỹ BOG đến hết ngày 30/6/2013 là 55,467 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Ảnh minh họa: http://fs.petrolimex.com.vn

Hiện nay, việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ BOG. 

Quỹ BOG được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối. Trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ BOG cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các thương nhân đầu mối thực hiện.

Việc trích lập Quỹ BOG đã được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ BOG vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính - Công thương (thông qua Tổ Giám sát Liên ngành về giá xăng dầu).

Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng Quỹ BOG. Chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Liên Bộ có công văn chỉ đạo doanh nghiệp mới được sử dụng Quỹ BOG. Mức sử dụng Quỹ BOG không phải một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành (được tính toán công khai theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) và mục tiêu điều hành giá dựa trên tình hình kinh tế, xã hội trong nước... 

Theo các quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC: Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính - Công thương về việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG (thông qua các thông báo, công văn của Tổ Giám sát Liên ngành); doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Quỹ BOG.

Quỹ BOG được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác.

Định kỳ hàng quý và theo yêu cầu quản lý đột xuất các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ BOG đối với Bộ Tài chính (được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 234/2009/TT-BTC).

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG ở tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và công khai kết quả kiểm tra trước công luận (cuối năm 2011 và giữa năm 2012).

Phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ BOG tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (cuối năm 2011 về kiểm toán chuyên đề về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG giai đoạn 2009 - 2010). Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá cao về hiệu quả của Quỹ BOG, cụ thể: "Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...”. (Trích báo cáo Kiểm toán Nhà nước tại Công văn số 271/KTNN-TH ngày 11/10/2011 báo cáo kiểm toán chuyên đề về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG giai đoạn 2009 - 2010).

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các đoàn kiểm tra, thanh tra về tình hình sản xuất kinh doanh xăng dầu tại một số doanh nghiệp trong đó có nội dung kiểm tra về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG để có tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 234/2009/TT-BTC.

Kết thúc các đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về kinh doanh xăng dầu trong đó có nội dung về Quỹ BOG, Bộ Tài chính đã có thông cáo báo chí, họp báo công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, khi thay đổi mức trích, mức chi sử dụng Quỹ BOG, Liên Bộ Tài chính - Công thương đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí về để giúp dư luận hiểu rõ hơn về định hướng điều hành của Liên Bộ, góp phần bảo đảm công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Công văn số 3426/VPCP-KTTH ngày 3/5/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc Quỹ BOG, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện công khai tình hình trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ BOG hàng quý trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn, ví dụ: Nếu không sử dụng Quỹ BOG thì ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán năm 2011, năm 2012 và năm 2013 (các thời điểm nhạy cảm thường có chỉ số CPI cao) đã phải điều chỉnh giá xăng dầu và mức giá phải điều chỉnh cao hơn nhiều; mặt khác nếu không có Quỹ BOG trong một số thời điểm sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Ngay trong những tháng đầu năm 2013, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao (có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013...).

Thành An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm