Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Tài chính còn điều nghiên

Thứ bảy, 15/03/2014 - 09:06

(Thanh tra) - Hút thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Qua tham khảo mô hình lý thuyết Levy và các cộng sự thì khoảng 40.000 ca tử vong tại Việt Nam trong năm 2008 có nguyên nhân trực tiếp từ thuốc lá (không tính các trường hợp hút thuốc thụ động), số tử vong này có thể lên tới 50.000 người năm 2023.

Ảnh minh họa

Căn cứ để tăng thuế suất

Trong một nghiên cứu khác của Norman và cộng sự thì hậu quả của hút thuốc lá gây ra từ 66.000 đến 76.000 ca tử vong năm 2005, chiếm từ 9,7% tới 11% tổng số người chết và từ 6,8% đến 7,7% số năm sống hiệu chỉnh theo bệnh tật tại Việt Nam trong năm 2006.

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) năm 2010 tại Việt Nam: (I) Tỷ lệ người hút thuốc so với các nước trong khu vực và trên thế giới là cao, cụ thể: Tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới và 1,4% đối với nữ. Tỷ lệ những người hút thuốc hiện tại là 23,8% tương đương với 15 triệu người; (II) 45% người không hút thuốc bị hút khói thuốc bị động ở những nơi làm việc trong nhà. Việt Nam đã ký kết và tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) từ ngày 01/01/2005. Tại Điều 6, Công ước Khung về các biện pháp về giá và thuế nhằm giảm cầu về thuốc lá có quy định “1. Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên”. Tại khoản 2, Điều 4, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có quy định: “Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.

Tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam hiện là 45% là mức thấp và đứng thứ 6 so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 70%; Singapore là 69%; Indonesia: 52%; Myanmar: 50%; Malaysia: 45%) và thấp so với các nước phát triển (Australia: 62%, Đức: 75%, Pháp: 80%...). Qua báo cáo của các tổ chức y tế liên quan (Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia - Bộ Y tế, WHO...), do thu nhập của người dân tăng lên từ 1998 đến nay, nên sức mua thuốc lá (hay khoản chi tiêu dành cho việc sử dụng thuốc lá) tăng gấp 2,5 lần, dẫn đến thuốc lá tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.

Phương án đề xuất

Xuất phát từ các lý do nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết để định hướng tiêu dùng. Do đó, đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá và dự kiến ảnh hưởng đến số thu ngân sách Nhà nước và thuế TTĐB từ năm 2015 đến năm 2018 như sau:

Phương án 1: Áp dụng mức thuế suất theo tỷ lệ % trên giá bán của cơ sở sản xuất và nâng mức thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ năm 2018.

Dự kiến tăng số thu ngân sách năm 2016: 2.930 tỷ đồng; năm 2017: 3.300 tỷ đồng; năm 2018: 7.700 tỷ đồng.

Phương án 2: Áp dụng mức thuế tuyệt đối kết hợp với tăng mức thuế tương đối. Theo đó: Mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá xuất xưởng (bao 20 điếu) là 500 đồng/bao và nâng mức thuế suất tương đối từ 65% lên 70% và có lộ trình tăng 10% vào năm 2018. Dự kiến, năm 2016 số thu ngân sách tăng 3.300 tỷ đồng và năm 2017 là 3.563 tỷ đồng, năm 2018 là 7.749 tỷ đồng.

Phương án này có ưu điểm: Giảm tỷ lệ hút thuốc lá thấp cấp và phù hợp với khuyến nghị của WHO và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, Phương án này có nhược điểm: Phức tạp và khó bảo đảm cạnh tranh công bằng do tỷ lệ điều tiết và mức độ ảnh hưởng của thuế tới giá bán thuốc lá khác nhau. Tỷ lệ điều tiết của thuế đối với thuốc lá thấp cao hơn thuốc lá cao cấp. Mức tuyệt đối về giá thuốc lá và mức thuế lạc hậu nhanh do lạm phát; do đó, phải điều chỉnh theo mức lạm phát.

Xuất phát từ ưu, nhược điểm 2 phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 1.

Tuy nhiên, đề xuất này còn tiếp tục được điều nghiên bởi các doanh nghiệp ngành này đang kiến nghị, phân tích lợi - hại, được - mất từ việc thực thi tăng thuế suất.

Thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số quốc gia

Malaysia: Thuế TTĐB đối với thuốc lá năm 2010 tăng 182% so với năm 2004 khiến thuốc lá hợp pháp trở nên quá đắt đỏ đối với người tiêu dùng. Kết quả, ngành công nghiệp thuốc lá Malaysia mất hơn 30% sản lượng về tay thuốc lá lậu, khiến thị phần của thuốc lá lậu tăng lên mức 40%. Chính phủ đã quyết định không tăng thuế trong các năm 2011 và 2012.

“Chúng ta không thể tăng mạnh giá thuốc lá khi tiêu thụ thuốc lá lậu đã đạt mức 40%. Nếu tăng giá mạnh thì tỷ lệ người hút thuốc lá lậu sẽ tiếp tục tăng”. (Trích lời Thủ tướng Malaysia ngày 08/10/2011).

Ireland: Sau khi giá tăng 20% trong giai đoạn 2006 - 2009 do thuế TTĐB tăng liên tục (tăng 22% tính trên đơn vị 1.000 điếu), thuốc lá lậu ở Ireland đã tăng đột biến lên 22,3%, trong khi tỷ lệ hút thuốc không thay đổi.

“Tôi đã quyết định không thay đổi thuế TTĐB với thuốc lá cho ngân sách năm tới, bởi tôi tin rằng, giá cao đang thúc đẩy nạn buôn lậu thuốc lá. Trách nhiệm của tôi trên cương vị Bộ trưởng Tài chính là bảo vệ nguồn thu thuế”. (Trích lời Bộ trưởng Tài chính Ireland, ngày 09/12/2009).

Singapore: Giá thuốc lá hợp pháp tăng 39% trong các năm từ 2003 - 2006 do thuế TTĐB tăng liên tục (tăng 38% tính trên đơn vị 1.000 điếu) đã khiến thuốc lá hợp pháp giảm sản lượng 38%, dẫn đến thu ngân sách nhà nước giảm 17%.

“Tôi đã nghiêm túc xem xét việc tăng thuế thuốc lá, nhưng tôi lại quyết định không làm vậy, bởi vì, chúng ta đã và đang thấy thu ngân sách giảm, không phải vì người ta giảm hút thuốc mà vì thuốc lá lậu đã tăng lên”. (Trích lời Bộ trưởng Tài chính Singapore trong bài phát biểu về ngân sách năm 2006). 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm