Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Bà đỡ”cho những kế hoạch thoát nghèo

Thứ ba, 15/04/2014 - 15:52

(Thanh tra)- Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, số khách hàng của Agribank còn dư nợ đến 31/12/2013 là 2.206.816 khách hàng với số tiền 182.317 tỷ đồng, so với năm 2012 tăng 24.199 tỷ đồng (tăng 15,3%). Đồng vốn của Agribank đã và đang “chảy” vào khu vực sản xuất tạo cú hích khơi thông nguồn vốn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn trên cả nước, thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới…

Ảnh: Ngọc Quyết

“Cõng vốn” lên non 

Địa hình ở Hà Giang, núi tiếp núi, đèo tiếp đèo, vực tiếp vực, đường cheo leo không cản được bước chân của những cán bộ Agribank nơi đây đang hàng ngày “vượt núi” mang đồng vốn đến cho bà con dân bản vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để xóa đói, giảm nghèo. 

Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Giang Nguyễn Ngọc Hải cho biết, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của chi nhánh tính đến 31/12/2013 đạt 2.089 tỷ đồng, chiếm 94%/tổng dư nợ (tăng hơn 207% so với 30/6/2010). “Nghị định 41 tạo ra cú hích lớn cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn, giúp khơi thông nguồn vốn tới khu vực nông nghiệp, nông thôn. Giải tỏa, tạo điều kiện cho bà con nâng mức vay không bảo đảm bằng tài sản, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng. Góp phần giúp Chi nhánh mở rộng địa bàn cho vay, tăng trưởng tín dụng bền vững. Giúp củng cố và xây dựng niềm tin giữa khách hàng và ngân hàng; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các hội đoàn thể” ông Hải nói. 

Tổng sản lượng lương thực của tỉnh Hà Giang không ngừng gia tăng theo từng thời vụ (từ 386kg/người/năm năm 2010 đến năm 2011 đạt 438kg/người/năm, năm 2012 đạt 486kg/người/năm). Từ năm 2011 đến 2013, toàn tỉnh giảm được gần 20.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41,8% xuống còn 26,95% (bình quân mỗi năm giảm gần 5%). Để đạt được kết quả ấn tượng đó là nhờ sự cố gắng, nỗ lực, vượt khó chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó không thể không nhắc đến sự góp sức của đồng vốn của Agribank.

Không quản ngại khó khăn vất vả, nhiều cán bộ tín dụng Agribank đã đi xe máy 4 – 5 giờ để đến những thôn, bản giải ngân nguồn vốn cho bà con dân tộc đầu tư vào sản xuất. Thật ấm lòng khi mục sở thị những mô hình thoát nghèo nhờ đồng vốn của Agribank đang “nở hoa” trên vùng đất biên cương, phên dậu của Tổ quốc. Anh Nguyễn Văn Ngán thôn Lài Cò – thị trấn Đồng Văn vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi. Từ số tiền vay lúc đầu 10 – 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, cuộc sống gia đình anh Ngán đã được cải thiện đáng kể, tiền bán ngựa, bò đã giúp anh trả được vốn vay ngân hàng, có tích lũy để mua xe máy, ti vi và tăng đàn gia súc. Còn hộ ông Hoàng Quốc Quân, xóm Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn cũng đã thoát nghèo, nuôi được 3 con học Trung cấp nhờ đồng vốn vay Agribank để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. 

 Đồng hành cùng người nông dân

Tại tỉnh Thanh Hóa, đồng vốn Agribank đã góp phần khai thác tiềm năng về mặt nước ao hồ, bãi triều nuôi trồng thủy hải sản, như vùng nuôi ngao tại Hậu Lộc, nuôi cá lồng tại Nghi Sơn Tĩnh Gia; nuôi tôm công nghiệp tại Hoằng Hóa và Nga Sơn, đánh bắt hải sản tại Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nghi Sơn... hình thành các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản, thu hút hàng ngàn lao động và tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Thanh Hóa.

Giám đốc Agribank Thanh Hóa Trịnh Ngọc Thanh cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, dư nợ của chi nhánh tăng từ 8.044 tỷ đồng lên 12.918 tỷ đồng, tăng 4.874 tỷ đồng, tốc độ tăng 60,6% bình quân mỗi năm tăng 1.625 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 20,2%. Vốn vay ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế Thanh Hóa tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững, bình quân đạt 10,3%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,5% năm 2010 xuống còn 17,3% năm 2012, giảm 4,2%. 

Nhờ được sự tiếp sức đồng vốn  Agribank kịp thời, đã thúc đẩy kinh tế  nhiều hộ gia đình phát triển. Như trang trại rộng 1,3 ha của gia đình chị Lê Thị Ngoan ở xóm 8 xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đang nuôi 5.000 con vịt đẻ, 20 lò ấp trứng, mỗi ngày cơ sở của chị cho ra lò 1 vạn quả trứng, được vận chuyển đi tiêu thụ ở Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ninh. 

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình chị Ngoan cũng phải trải qua những tháng ngày vất vả, nhiều khi hai vợ chồng phải đầm mình cả ngày dưới bùn để vật đất đào ao. Nhìn cảnh hai vợ chồng chị vất vả, nhiều người rất ái ngại, có người còn “độc mồm” cho rằng, nhà này bị hâm. Song rất may, các cán bộ tín dụng của Agribank lại không xem như vậy mà luôn đồng hành, động viên, chia sẻ cùng vợ chồng chị. Với dư nợ ban đầu từ 5 đến 10 triệu đồng và̀o năm 1996, đến nay có lúc dư nợ của tại Agribank lên tới 500 triệu đồng. Nhờ chịu thương, chịu khó, lại được sự cảm thông, chia sẻ của Agribank, đến nay chẳng những gia đình chị đã thoát nghèo mà còn được xếp vào dạng “có máu mặt” ở địa phương khi bên cạnh nhà cửa khang trang, chị còn mua được 1 chiếc ô tô tải để chở hàng. 

Còn tại Agribank chi nhánh Hà Tĩnh, sau 3 năm thực hiện Nghị định 41, dư nợ cho vay đã tăng từ 748 tỷ đồng vào cuối năm 2010 lên 3.801 tỷ đồng (31/12/2013), tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trên 40%/năm.

Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diên cho biết, từ nguồn vốn cho vay của chi nhánh đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp nông thôn của địa phương phát triển và giúp hàng chục ngàn hộ dân có điều kiện phát triển những cây, con lợi thế của Hà Tĩnh, mang lại nguồn thu nhập cao không ngừng cải thiện, ổn định cuộc sống.  

Vào thăm mô hình VACR của anh Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)  chúng tôi khá bất ngờ và ngỡ ngàng với quy mô trang trại rộng lớn mà anh cùng gia đình đã đầu tư gây dựng từ năm 1993 đến nay. Trang trại mà anh Bình cùng gia đình đầu tư ở cách xa khu dân cư với diện tích hơn 60 ha, trong đó có 50 ha trồng rừng. Nguồn vốn để đầu tư cho trang trại anh Bình vay tại Agribank chi nhánh Nghi Xuân. 

Với vai trò chủ lực, chủ đạo trong việc đầu tư tín dụng và cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Quy mô tín dụng của Agribank tại khu vực ĐBSCL không ngừng được mở rộng, đáp ứng một lượng vốn lớn cho phát triển kinh tế vùng. Giai đoạn 2008-2012, dư nợ tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm. Đây là mức tăng bình quân lớn nhất giữa các vùng trong toàn hệ thống Agribank.  Tổng dư nợ trung bình trong 3 năm 2011 – 2013 của khu vực ĐBSCL là 74.678 tỷ đồng; năm 2013 đạt 84.968 tỷ đồng so với 2011 (tăng 31,2%), chiếm 17% dư nợ toàn hệ thống.

Nghị định 41/2010/NĐ-CP ra đời đã khơi thông nguồn vốn về nông thôn, có thể nói đây là một điểm mới hết sức quan trọng, là cú hích tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, nông thôn và có ý nghĩa đối với các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Nghị Định số 41 đã vấp phải một số  khó khăn, vướng mắc như: Nhiều tổ chức, cá nhân, chủ trang trại sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng lại cư trú tại các phường, thị trấn (đặc biệt là tại các phường, thị trấn mới được chuyển lên từ xã trong quá trình đô thị hóa) nên không được hưởng chính sách theo Nghị định 41/NĐ-CP; Việc xác nhận diện tích đất đang sử dụng, không có tranh chấp đối với các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được vay vốn theo Nghị định 41có những nơi từ chối không xác nhận cho người dân; đa phần khách hàng hộ nông dân còn nhiều hạn chế trong việc tự xây dựng phương án, dự án kinh doanh, chứng minh năng lực tài chính và khả năng trả nợ nên hạn chế trong tiệp cận vốn vay ngân hàng…thị trường nông sản hàng hóa bấp bênh, giá cả đầu ra không ổn định nên ảnh hưởng kết quả sản xuất kinh doanh, dẫn đến thu hồi vốn chậm là những trở ngại đối với việc đầu tư tín dụng…



Ngọc Quyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm