"Trong những ngày gần đây, tôi đã lắng nghe và thấy được những lo ngại của mọi người về tác động của cải cách tư pháp đối với khả năng phục hồi kinh tế... Điều ngược lại mới thực sự đúng", ông Netanyahu nói với Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich trong một cuộc họp báo.

Những cải cách tư pháp, hiện vẫn chưa được ban hành thành luật, sẽ thắt chặt kiểm soát chính trị đối với việc bổ nhiệm tư pháp và hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao trong việc hủy bỏ các quyết định của chính phủ.

Ông Netanyahu cho biết, kế hoạch cải cách được đề xuất sẽ thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời cho biết thêm rằng, "sự can thiệp quá mức của tư pháp vào Israel giống như cát trong bánh xe của nền kinh tế đất nước".

"Khi cải cách tư pháp được thông qua, và nó sẽ được thông qua... Tôi tin chắc rằng mọi người sẽ thấy, pháp quyền vẫn nguyên vẹn và thậm chí còn mạnh mẽ hơn; nền dân chủ vẫn còn nguyên vẹn và thậm chí được củng cố; nền kinh tế tự do của chúng ta vẫn nguyên vẹn và thậm chí còn được tăng cường", Thủ tướng Israel nói.

Tuyên bố của ông Netanyahu được đưa ra khi các nhà kinh tế hàng đầu của Israel cảnh báo rằng cuộc cải cách tư pháp sẽ gây ra "thiệt hại chưa từng có cho nền kinh tế Israel" và trong bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra trên khắp đất nước.

Trong một bức thư do trang tin tức Ynet của Israel đăng tải hôm 25/1, hơn 250 nhà kinh tế hàng đầu - bao gồm cả các nguyên lãnh đạo ngân hàng trung ương - bày tỏ mối quan ngại sâu sắc rằng, việc cải cách hệ thống tư pháp "sẽ dẫn đến thiệt hại lâu dài đối với quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân Israel".

Trước đó, ngày 24/1, Thống đốc Ngân hàng Israel Amir Yaron đã có buổi gặp gỡ Thủ tướng Netanyahu để đưa ra một chiến lược kinh tế bao gồm các khuyến nghị chính sách.

"Thống đốc Yaron đã phản ánh với Thủ tướng nhiều vấn đề nảy sinh trong... các cuộc thảo luận mà ông ấy đã có với các quan chức cấp cao của nền kinh tế toàn cầu và với các quan chức cấp cao của các công ty được xếp hạng trong những tuần gần đây", Ngân hàng Trung ương cho biết.

leftcenterrightdel
Hàng nghìn người Israel biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của Chính phủ mới, trong đó có những đề xuất nhằm giảm quyền hạn của Tòa án Tối cao, tại Tel Aviv, Israel ngày 14/1/2023. Ảnh: REUTERS/ Ilan Rosenberg 

Dự luật cải cách tư pháp được đề xuất đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt ở Israel, với hàng chục nghìn người xuống đường phản đối hàng tuần trên khắp đất nước. Những người phản đối cho rằng, những thay đổi sẽ làm suy yếu hệ thống kiểm tra và sự cân bằng của đất nước, gây nguy hiểm cho các giá trị dân chủ.

Nhóm người phản đối kế hoạch cũng lo ngại cải cách sẽ thúc đẩy tham nhũng, hạn chế các quyền của thiểu số và làm mất uy tín của hệ thống tòa án Israel.

Cũng theo nhóm chỉ trích, các thay đổi pháp lý có thể giúp ông Netanyahu - người đang bị xét xử vì tội tham nhũng, tránh được việc bị kết án hoặc thậm chí khiến phiên tòa của ông hoàn toàn biến mất. Kể từ khi bị truy tố vào năm 2019, ông Netanyahu đã nói rằng hệ thống tư pháp có thành kiến với ông.

Ông Netanyahu đã lên án các cuộc biểu tình. Ông coi việc đại tu hệ thống tư pháp của đất nước là trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình và khẳng định kế hoạch sẽ kiềm chế sự vi phạm của Tòa án Tối cao, khôi phục sự cân bằng của ba nhánh Chính phủ (tư pháp, lập pháp và hành pháp).

Trước đó, Thủ tướng Netanyahu cũng nhấn mạnh về sự linh hoạt trong kế hoạch cải cách. Ông cho biết, kế hoạch sẽ được thực hiện với sự cân nhắc và lắng nghe tất cả.

Ngọc Anh