Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Anh
Thứ hai, 16/01/2023 - 15:11
(Thanh tra) - Cuối tuần qua, hàng chục nghìn người Israel đã biểu tình tại 3 thành phố lớn để phản đối các kế hoạch cải cách tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, với lo ngại sẽ thúc đẩy tham nhũng. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ Israel tuyên bố sẽ không nhân nhượng, đồng thời lên án các cuộc biểu tình.
Hàng nghìn người Israel biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của Chính phủ mới, trong đó có những đề xuất nhằm giảm quyền hạn của Tòa án Tối cao, tại Tel Aviv, Israel ngày 14/1/2023. Ảnh: REUTERS/ Ilan Rosenberg
Chính phủ mới của Thủ tướng Netanyahu (người đang ở nhiệm kỳ thứ sáu) coi việc đại tu hệ thống tư pháp của đất nước là trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình.
Sau khi nhậm chức được hơn 2 tuần, ông Netanyahu đã đưa ra các đề xuất nhằm kiềm chế quyền lực của Tòa án Tối cao trong điều mà ông mô tả là khôi phục sự cân bằng của ba nhánh Chính phủ, bằng cách trao cho Quốc hội quyền hủy bỏ các quyết định của tòa án chỉ bằng một cuộc bỏ phiếu đa số đơn giản.
Quyết định này cũng muốn trao cho Quốc hội quyền kiểm soát việc bổ nhiệm các thẩm phán và giảm bớt tính độc lập của các cố vấn pháp lý.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, các thẩm phán không được có quá nhiều quyền lực.
Bất chấp thời tiết có mưa mùa giữa mùa đông lạnh giá cuối tuần qua, theo cảnh sát Israel, đám đông với ít nhất 80.000 người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Habima ở thành phố Tel Aviv, mang theo ô, cờ Israel và các biểu ngữ, để phản đối kế hoạch đại tu hệ thống tư pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Ngoài ra, hàng nghìn người khác tham gia các cuộc biểu tình ở Thủ đô Jerusalem và thành phố Haifa.
Nhóm người phản đối kế hoạch nói rằng, những cải cách được đề xuất sẽ tước đi sự độc lập của ngành Tư pháp và làm suy yếu nền dân chủ của Israel, thúc đẩy tham nhũng, hạn chế các quyền của thiểu số và làm mất uy tín của hệ thống tòa án Israel.
Các nhà lãnh đạo phe đối lập Israel và Chánh án Tòa án Tối cao Israel đều đã lên tiếng phản đối kế hoạch này.
Cũng theo nhóm chỉ trích, các thay đổi pháp lý có thể giúp ông Netanyahu - người đang bị xét xử vì tội tham nhũng, tránh được việc bị kết án hoặc thậm chí khiến phiên tòa của ông hoàn toàn biến mất. Kể từ khi bị truy tố vào năm 2019, ông Netanyahu đã nói rằng hệ thống tư pháp có thành kiến với ông.
Trước đó, hôm 13/1, Thủ tướng Netanyahu đã nhấn mạnh về sự linh hoạt trong kế hoạch cải cách. Ông cho biết, kế hoạch sẽ được thực hiện với sự cân nhắc và lắng nghe tất cả.
Theo ông Netanyahu, hơn 2 tháng trước "đã có một cuộc tuần hành lớn… Hàng triệu người xuống đường để bỏ phiếu bầu cử. Một trong những chủ đề họ bỏ phiếu thông qua là cải cách hệ thống tư pháp". Chính phủ mới "sẽ có những sửa đổi cần thiết đối với hệ thống tư pháp, theo cách thận trọng và có trách nhiệm".
Trước kế hoạch cải cách nhận được nhiều ý kiến trái chiều, các cuộc thăm dò quan điểm của công chúng đã được mở ra. Theo kết quả thăm dò của Kênh 13 TV, 53% người Israel phản đối việc thay đổi cơ cấu các vị trí bổ nhiệm của tòa án; trong khi 35% ủng hộ. Sau đó, Kênh 14 TV hôm 12/1 đã công bố một kết quả khác cho thấy 61% ủng hộ và 35% phản đối.
Những người chỉ trích Tòa án Tối cao nói rằng, quyền lực của Tòa đi quá xa và không mang tính đại diện cho cử tri. Trong khi, những người ủng hộ lại gọi Tòa là một phương tiện mang lại trạng thái cân bằng cho một xã hội bị chia rẽ.
Ông Miki Zohar, một nhà lập pháp cấp cao trong Đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu, viết trên Twitter rằng: "Hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình tối nay. Trong cuộc bầu cử được tổ chức ở đây hai tháng rưỡi trước, hàng triệu người đã tham gia... Chúng tôi đã cam kết với mọi người về sự thay đổi, chúng tôi đã cam kết với chính quyền, chúng tôi đã cam kết với những cải cách và chúng tôi sẽ thực hiện tốt điều đó".
Hôm qua, 15/1, Tổng thống Israel Isaac Herzog cảnh báo, kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi của Chính phủ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực hiện có thể gây ra một cuộc “khủng hoảng Hiến pháp lịch sử”.
Tổng thống Hezog cho biết, trong tuần qua, ông đóng vai trò trung gian đàm phán giữa các đảng nhằm ngăn chặn một sự chia rẽ tiếp diễn trong lòng dân tộc.
Cũng trong ngày 15/1, Thủ tướng Netanyahu lên án các cuộc biểu tình chống kế hoạch cải cách tư pháp của Chính phủ mới và tuyên bố sẽ không nhân nhượng.
Truyền thông Israel dẫn lời cảnh sát cho biết các sĩ quan đã được chỉ thị phải "rất nhạy cảm" và cho phép cuộc biểu tình diễn ra một cách hòa bình. Tuy nhiên, họ cũng tuyên bố sẽ có phản ứng cứng rắn đối với bất kỳ hành vi phá hoại hoặc bạo lực nào.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình