Báo chí điều tra góp phần làm sáng tỏ những vấn đề có thể vẫn còn bị che giấu. Tuy nhiên, việc theo đuổi sự thật trong lĩnh vực này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Các nhà báo điều tra thường phải đối mặt với những mối đe dọa về sự an toàn, thách thức pháp lý và căng thẳng tâm lý, tất cả những điều này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và công việc của họ.

1. Một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất, đó là nguy cơ bị sát hại.

Các nhà báo điều tra tham nhũng, tội phạm hoặc vi phạm nhân quyền thường rơi vào tình huống nguy hiểm. Họ có thể là mục tiêu của những người muốn giữ "im lặng" cho những phát hiện của họ.

Rủi ro này đặc biệt cao ở những khu vực có nền pháp quyền yếu kém hoặc nơi các thực thể quyền lực hoạt động mà không bị trừng phạt. Cái chết bi thảm của các nhà báo như Daphne Caruana Galizia ở Malta và Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ là những lời nhắc nhở đanh thép về nguy cơ bị sát hại mà các nhà báo phải đối mặt.

2. Các mối đe dọa pháp lý cũng rình rập nhà báo điều tra.

Các vụ kiện lạm dụng, hay còn gọi là vụ kiện chiến lược chống lại sự tham gia của cộng đồng (SLAPP), là một chiến thuật phổ biến được sử dụng để kiểm duyệt, đe dọa và bịt miệng những người lên tiếng chỉ trích, bằng cách tạo gánh nặng chi phí bảo vệ pháp lý, tiêu hao tài chính của các nhà báo và tổ chức báo chí cho đến khi họ từ bỏ việc chỉ trích hoặc phản đối.

Không chỉ gây tốn kém, những vụ kiện này còn làm mất thời gian, phân tán nguồn lực khỏi các cuộc điều tra quan trọng.

3. Không thể đánh giá thấp những tác động tâm lý đối với các nhà báo điều tra.

Các nhà báo thường phải làm việc nhiều giờ dưới áp lực rất lớn, phải xử lý những thông tin nhạy cảm và đôi khi gây chấn động.

Mối đe dọa bị trả thù liên tục có thể dẫn đến căng thẳng mãn tính, lo lắng và kiệt sức. Trong khi, hệ thống hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức báo chí rất quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn, khiến nhiều nhà báo phải tự mình đối phó.

4. Các mối đe dọa kỹ thuật số ngày càng tăng.

Với sự gia tăng của hoạt động giám sát và hacker trên mạng internet, thông tin liên lạc và dữ liệu cá nhân của các nhà báo điều tra ngày càng dễ bị xâm phạm.

Người có quyền lực và các tổ chức tư nhân có thể triển khai các công cụ tinh vi để giám sát và cản trở các hoạt động báo chí. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của các nhà báo mà còn ảnh hưởng đến tính bảo mật nguồn tin của họ, vốn là nền tảng của công việc điều tra.

Bất chấp nguy hiểm, vai trò của báo chí điều tra trong việc nắm giữ quyền giải trình vẫn không thể thiếu. Các nhà báo phát hiện ra nạn tham nhũng, hủy hoại môi trường và vi phạm nhân quyền đã có những đóng góp quan trọng, thường thúc đẩy những thay đổi xã hội có ý nghĩa, chẳng hạn như cải cách chính sách và truy tố những người có sai phạm.

Tuy nhiên, những rủi ro mà họ gặp phải làm nổi bật sự cần thiết của các hệ thống hỗ trợ và bảo vệ mạnh mẽ. Xã hội cần nhận thức sâu sắc những mối đe dọa này và hành động để hỗ trợ, bảo vệ những người cầm bút cống hiến cả cuộc đời để khám phá sự thật.

Hoài Phương