Tuần trước, vào ngày 15/2, chỉ hai ngày sau khi từ chức, cựu Bộ trưởng Kinh tế Armenia Vahan Kerobyan bị buộc tội lạm dụng chức vụ. Ngày hôm sau, tòa án ra lệnh quản thúc ông tại gia.

Ủy ban Điều tra Armenia cho biết trong một tuyên bố rằng, các quan chức của Bộ Kinh tế, bao gồm cả Kerobyan, đã loại một đơn vị tư nhân khỏi gói thầu mua sắm để đảm bảo cho một nhà thầu khác thắng thầu với số tiền cao hơn nhiều.

Rõ ràng, đã có gian lận trong việc mua sắm để trao cho chi nhánh Synergy International ở Armenia một hợp đồng trị giá 1 triệu USD. Động cơ có thể có đằng sau hành động của ông Kerobyan không được đề cập trong tuyên bố.

Vụ bắt giữ Bộ trưởng Kerobyan diễn ra sau khi cấp phó của ông và 6 quan chức khác liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tương tự bị bắt giữ.

Thứ trưởng Ani Ispiryan bị cách chức và giam giữ vào ngày 31/1. Cơ quan thực thi pháp luật sau đó đã đột kích vào nhà của hơn 15 người, bắt giữ 6 nhân viên khác của Bộ Kinh tế.

Ông Kerobyan đã chỉ trích vụ bắt giữ trong một cuộc họp Nội các vào tuần trước, nói rằng các thủ tục tố tụng hình sự đã "làm tê liệt" công việc của Bộ.

Trong bài đăng sau cùng trên Facebook trước khi bị buộc tội, ông Kerobyan đề cập đến bất đồng giữa mình với nhà lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Nikol Pashinyan.

Quan chức này viết: “Tôi đã nhiều lần muốn rời bỏ công việc, nhưng tôi đã cam kết sẽ tối đa hóa giá trị phục vụ đất nước của mình”.

Trong phát biểu sau đó với các nhà báo, Kerobyan thừa nhận, Chánh Văn phòng Thủ tướng, Arayik Harutyunyan, đã yêu cầu ông từ chức vì "họ không hài lòng" với công việc ông đang đảm nhiệm.

Kerobyan đã bác bỏ các cáo buộc chống lại mình, nhưng cũng nói, ông không tin rằng vụ việc có động cơ chính trị.

Doanh nhân Vahan Kerobyan được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế vào ngày 26/11/2020, trong một cuộc cải tổ, được thúc đẩy sau các cuộc biểu tình trên đường phố nhằm phản đối thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt cuộc giao tranh căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ ở khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. Ông Kerobyan thay người tiền nhiệm Tigran Khachatryan, trong bối cảnh Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tiến hành thay đổi khoảng 80% Nội các.

Trước khi phục vụ trong Chính phủ của Thủ tướng Nikol Pashinyan, ông Kerobyan điều hành một công ty về thực phẩm.

Một số nhân viên Synergy International (công ty tư vấn và công nghệ thông tin), bao gồm cả giám đốc chi nhánh tại Armenia, Ashot Hovhanesian, đã bị tạm giam trước khi xét xử.

Sau phản ứng dữ dội từ cộng đồng công nghệ nước này, các nghị sĩ thuộc Đảng Hợp đồng Dân sự cầm quyền đã khởi xướng một kiến nghị tại Quốc hội để kháng cáo lên tòa án yêu cầu trả tự do cho Hovhanesian và các đồng nghiệp. Một trong những người bị bắt là chị dâu của Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: AP

Thủ tướng Pashinyan lên nắm quyền thông qua một phong trào vào năm 2018. Ông đã phát động một cuộc thập tự chinh chống tham nhũng, khởi xướng cải cách kinh tế sâu rộng và xoá bỏ các tổ chức độc quyền và đầu sỏ tham nhũng.

Các nhà phân tích cho rằng những chính sách này đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỉ lệ đói nghèo và tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới.

Nhà lãnh đạo Pashinyan đã nhiều lần cam kết rằng các thành viên trong nhóm của ông sẽ không được tha thứ nếu bị phát hiện có hành vi sai trái.

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Pashinyan, chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá tham nhũng khu vực công đối với Armenia đã được cải thiện đáng kể. Năm 2023 nước này xếp thứ 63 trên 180 quốc gia, so với vị trí 105 của 5 năm trước đó.

Một số thành viên trong Chính phủ của Thủ tướng Pashinyan hoặc Đảng Hợp đồng Dân sự của ông đã bị buộc tội hoặc bị bắt trong vài năm qua.

Cựu Thứ trưởng Y tế Gevorg Simonyan bị buộc tội biển thủ tiền cứu trợ trong đại dịch Covid-19 vào năm 2023.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Davit Tonoyan bị bắt vì cáo buộc gian lận trong việc mua sắm vũ khí trước và trong cuộc chiến Karabakh năm 2020.

Cựu Phó Thị trưởng Yerevan, Stepan Machyan, cũng bị buộc tội tham ô liên quan đến đấu thầu vào năm 2023.

Ngọc Anh