Chiều 28/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2022, dù phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc “rất mới, rất lớn, rất khó, rất nhạy cảm”, nhưng Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra.

Tham mưu chỉ đạo kiểm tra, thanh tra một số lĩnh vực có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Phan Đình Trạc khái quát lại nhiều kết quả đạt được trong năm 2022.

Trong đó, công tác theo dõi, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều cố gắng; chủ động, nhạy bén, quyết liệt, hiệu quả hơn. 

Theo ông Phan Đình Trạc, điểm mới, kết quả nổi bật trong công tác này là tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt hơn cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Năm 2023, các cơ quan chức năng đã chuyển 696 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Ban Nội chính Trung ương cũng chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, tham mưu chỉ đạo kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, vừa đảm bảo sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự, xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể.

“Chúng ta đã phối hợp rất tốt với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác này. Qua kiểm tra, đã kiến nghị xử lý kỷ luật 46 tổ chức Đảng, 138 đảng viên”, ông Phan Đình Trạc nói.

Đặc biệt, ban đã tham mưu chỉ đạo kiểm tra, thanh tra một số lĩnh vực chuyên môn sâu, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực. Điển hình, việc phát hành, sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch COVID -19…

Ban Nội chính Trung ương cũng chủ động, kịp thời tham mưu đưa 10 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát… được dư luận đồng tình, đánh giá rất cao.

Quan tâm nhiều hơn trong tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu oan, sai, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án tại Long An, Đồng Nai, Cà Mau, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Thuận…

Canh đó, Ban Nội chính Trung ương đã tham gia ý kiến về công tác cán bộ cơ bản đảm bảo chặt chẽ, công tâm, khách quan. 

Ông Phan Đình Trạc cho hay, Ban đã tham gia ý kiến bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm với 155 sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, quy hoạch đối với 444 nhân sự của 63 địa phương và trên 200 nhân sự của các cơ quan Trung ương. 

Chủ động nghiên cứu, đề xuất đưa vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, Ban Nội chính Trung ương đã thẳng nhìn nhận một số hạn chế để khắc phục, phấn đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2023.

Lưu ý và nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, ông Phan Đình Trạc nói, cần lựa chọn lĩnh vực, địa bàn có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực để tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiến hành kiểm tra chuyên đề chuyên sâu, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Bám sát tiến độ các vụ án, vụ việc, kịp thời giam mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo yêu cầu, kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Chủ động nghiên cứu, đề xuất đưa vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. 

Nhiệm vụ nữa được ông Phan Đình Trạc lưu ý là tăng cường, câng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và các bộ, ngành.

Nhất là, chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự; các vụ, việc sai phạm về tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, báo chí phản ánh, dư luận xã hội quan tâm.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh phải chấn chỉnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xử lý đơn, thư gửi ban và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời tham gia ý kiến về công tác cán bộ, khắc phục cho được tình trạng trả lời chậm, trả lời không đúng mục đích, yêu cầu về công tác cán bộ. 

Cạnh đó, tiếp tục sắp xếp, bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức theo đề án vị trí việc làm; kiện toàn lãnh đạo các vụ, đơn vị; chú ý hướng dẫn, giúp đỡ các cán bộ mới, nhất là các sinh viên xuất sắc mới được tuyển dụng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thi đua, khen thưởng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm quy chế làm việc….

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, Trưởng Ban Nội chính Trung ương yêu cầu, khẩn trương tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị và các cơ quan liên quan hoàn thiện, ban hành quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Đặc biệt, là khẩn trương tiếp thu, ban hành chủ trương phân loại xử lý các đối tượng liên quan trong vụ án Công ty Việt Á.

Về tổ chức Tết năm 2023, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19 của Ban Bí thư.

“Cán bộ, công chức của ban không chúc Tết lãnh đạo ban, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức. Văn phòng thông báo cho các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ không chúc Tết lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương. Hơn ai hết, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư”, ông Phan Đình Trạc nêu rõ.

Hương Giang