Công khai nhiều kết luận thanh tra được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đến nay, Ban Cán sự Đảng TTCP đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan TTCP và ngành Thanh tra bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN để xây dựng và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN, góp phần tích cực giữ vững an ninh, chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong công tác thanh tra, ngành Thanh tra và TTCP tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần phát hiện, xử lý vi phạm, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước.

Đồng thời, đã xây dựng triển khai Chương trình Hành động thực hiện Luật PCTN, kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN; chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục nâng cáo nhận thực và ý thức về PCTN, nhận diện các lĩnh vực, các khâu trọng yếu dễ xảy ra tiêu cực tham nhũng và tổ chức thực hiện các giải pháp về PCTN.

Ngành cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm của người đúng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; đồng thời nêu cao tính chủ động, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ có dấu hiệu tham nhũng và hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng.

Đặc biệt trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng TTCP đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, tiến độ, kết quả thanh tra và xử lý thanh tra các dự án trọng điểm, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Mặt khác, TTCP đã chỉ đạo xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; tập trung thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra, kiểm tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Kết luận Thanh tra số 99 về việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và số tiền 4.190 tỷ đồng tạm ứng cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam tái cơ cấu; Kết luận thanh tra số 35 về thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng; Kết luận thanh tra số 355 thanh tra dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; kết luận thanh tra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc…

Còn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi

Trong kỳ báo cáo, qua công tác thanh tra đã phát hiện 349 vụ với 610 đối tượng, giá trị thiệt hại 350 tỷ đồng, thu hồi tạm giữ, phong tỏa được 193,9 tỷ đồng. Qua công tác giải quyết khiếu nại đã phát hiện 3 vụ với 4 đối tượng, giá trị thiệt hại là 67 triệu đồng. Qua công tác giải quyết tố cáo phát hiện 126 vụ với 294 đối tượng, giá trị thiệt hại là 123,4 tỷ đồng. Qua công tác PCTN đã phát hiện 240 vụ với 47 đối tượng, giá trị thiệt hại 10,6 tỷ đồng.

Có được những kết quả đó là do Ban Cán sự Đảng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác PCTN, lãng phí; các vụ việc đã được giải quyết có kết luận rõ ràng, minh bạch, xử lý đúng người, đúng pháp luật, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, TTCP cũng thẳng thắn thừa nhận trong công tác PCTN vẫn còn có những tồn tại, vướng mắc, chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương có nhiều tiến bộ nhưng chưa đồng đều, vẫn còn những hạn chế, yếu kém.

Ý thức đạo đức công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, có cả trong hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật vẫn còn chậm; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng, ngừa còn hạn chế.

Ngoài ra, vẫn còn hiệu tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản, đất đai so với kiến nghị còn thấp; việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng chưa đạt tiến độ đề ra; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt; kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát lớn nhưng số vụ chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự còn ít.

Xử nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan đến các dự án thua lỗ

Dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi. Trên tinh thần đó, Ban Cán sự Đảng TTCP tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệu vụ trọng tâm như: Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCTN theo tinh thần Kết luận số 10 của Bộ Chính trị; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng văn hóa “không tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên”; tổng kết Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch Thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Đôn đốc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật PCTN; triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; đồng thời rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương để xem xét, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án thua lỗ, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Đặc biệt, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Các cơ quan chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng theo quy định để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Tăng cường thanh tra công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất; tăng cường tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng…

“Cần phải nêu cao quyết tâm chống tham nhũng thực sự mạnh mẽ trong Đảng, Chính phủ và thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. PCTN phải bắt đầu từ trên xuống dưới, phải bắt đầu từ sự lãnh đạo cấp trên, từ các cơ quan, các tổ chức có quyền hoạch định, thực thi và kiểm soát chính sách…” - báo cáo nhấn mạnh.

Thái Hải