Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi theo hướng nào?

Trần Quý

Chủ nhật, 22/12/2024 - 19:19

(Thanh tra) - Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được sửa đổi 3 lần (Luật số 04/2007/QH12; Luật số 26/2012/QH13; Luật số 71/2014/QH13) tuy nhiên, vẫn bộc lộ nhiều bất cập nên Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Thuế TNCN thay thế, dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2025.

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng nào? Ảnh: TQ

Dù đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); lương cho người nghỉ hưu tăng 15%, nhưng Luật Thuế TNCN vẫn chậm được sửa đổi, bổ sung.

Theo Bộ Tài chính, trong tiến trình phát triển, hội nhập những năm gần đây và do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, Luật Thuế TNCN hiện hành cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thuế TNCN đang đặt ra, đảm bảo tính minh bạch. Trong đó, bao gồm các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập; biểu thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc...

Một số quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành cũng cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024, qua đó, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, một số quy định về phạm vi, đối tượng chịu thuế trong Luật Thuế TNCN chưa bao quát được các khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh; mức điều tiết thu nhập của một số loại thu nhập qua quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ vướng mắc nên cần phải có những sự điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng cải cách thuế quốc tế hiện nay và trong mối tương quan với các nguồn thu nhập khác nhau của cá nhân để thực hiện mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo động viên hợp lý nguồn lực cho ngân sách Nhà nước.

Dự án Luật Thuế TNCN thay thế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31/35 Điều của Luật Thuế TNCN hiện hành. Ảnh: MH

Theo ban soạn thảo, Dự án Luật Thuế TNCN thay thế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 Điều trên tổng số 35 Điều của Luật Thuế TNCN hiện hành (chiếm 88,5%), trong đó có quy định về phạm vi điều chỉnh; người nộp thuế; về thu nhập chịu thuế; thu nhập được miễn thuế; kỳ tính thuế; về thuế đối với cá nhân kinh doanh cư trú; về thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú, mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc...

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng tăng mức giảm trừ gia cảnh cần căn cứ theo mức sống thực tế. Theo Luật Thuế TNCN hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh này đang khá thấp và cần phải tăng thêm.

Trong khi, thu nhập bình quân của Việt Nam còn thấp so với nhu cầu, mức sống thực tế. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở mức 11 triệu đồng/tháng, nếu sống ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với đủ các khoản chi tiêu như: Tiền thuê nhà, tiền ăn ở, học hành, khám chữa bệnh... thì rất khó đủ sống.

“Do vậy, khi tính toán mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên mức sống thực tế của người dân với những thành phố lớn có mức khác với những tỉnh, thành miền núi. Có thể căn cứ vào cách chia vùng hưởng lương khu vực để xác định mức giảm trừ phù hợp”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.

Một trong những nội dung trong dự thảo Dự án Luật Thuế TNCN thay thế được đông đảo người lao động quan tâm đó là mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh.

Theo quy định hiện hành, mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế TNCN là 11 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người.

Có nhiều yếu tố để thấy mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh này chưa phù hợp. Vì thu nhập bình quân đầu người cả nước hiện nay là hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, mức tiêu dùng ở mỗi vùng là khác nhau, chẳng hạn như thành phố với vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, trong những năm qua, chúng ta đã phải kìm chế qua thời kỳ hậu COVID-19. Rất nhiều những hoạt động về giá cả phải kìm lại không tăng lên, ví dụ y tế, giáo dục, điện… thì đến lúc này đã có sự điều chỉnh để đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội. Nếu như ở khu vực thành phố, một đứa con đi học rõ ràng với mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng thì chưa đủ trang trải cho đứa trẻ đó.

Luật sư, TS. Phan Hoài Nam cho rằng, một mức giảm trừ hợp lý là mức vừa giúp bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế, vừa đảm bảo tính công bằng trong hệ thống thuế. Tuy nhiên, mức giảm trừ “quá cao” cũng cần được cân nhắc, bởi nó có thể làm giảm tính hiệu quả của thuế TNCN như một công cụ điều tiết thu nhập, dẫn đến việc chỉ đánh thuế vào nhóm thu nhập cao, làm mất đi tính toàn diện của chính sách này. Ngược lại, nếu mức giảm trừ “quá thấp” sẽ không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân, làm gia tăng gánh nặng tài chính, đặc biệt là đối với các gia đình có nhiều người phụ thuộc hoặc ở những khu vực có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc. Ảnh: MH

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, cần sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNCN một cách toàn diện. Trong đó, điều chỉnh các phương pháp tính thuế phù hợp với bản chất của thu nhập, có thu nhập thì mới phải nộp thuế, thu nhập càng cao thì nộp thuế càng lớn.

Bên cạnh đó, gia tăng các công cụ để kiểm soát đúng, đầy đủ thu nhập của người nộp thuế trên tất cả các loại thu nhập từ tiền lương, tiền công đến thu nhập từ kinh doanh và các khoản thu nhập khác như chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, chuyển nhượng vốn… Cần sớm điều chỉnh phương pháp và cơ sở xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp theo hướng tiếp cận với mức sống của thành phố và đô thị tạo sự hưởng lợi cho miền núi, nông thôn theo kịp thành phố. Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa quy định về tương quan giữa CPI và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp hơn để đảm bảo độ nhạy của chính sách nhanh hơn, sát thực với thực tiễn hơn, từ đó tạo được sự đồng thuận của người dân.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng biểu thuế 7 bậc như hiện nay là quá nhiều, mà nên điều chỉnh xuống 5 bậc để dễ tính thuế, nộp thuế. Mức khởi điểm cần phải nâng lên, khoảng cách giữa các bậc cũng phải giãn ra cho phù hợp.

Đặc biệt, về mức thuế suất, các nước đều có xu hướng giảm, vì thế, Việt Nam cũng nghiên cứu giảm mức thuế suất tối đa này để khuyến khích người dân làm giàu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi theo hướng nào?

Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi theo hướng nào?

(Thanh tra) - Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được sửa đổi 3 lần (Luật số 04/2007/QH12; Luật số 26/2012/QH13; Luật số 71/2014/QH13) tuy nhiên, vẫn bộc lộ nhiều bất cập nên Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Thuế TNCN thay thế, dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2025.

Trần Quý

19:19 22/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm