Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch

Báo cáo kết quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024, Bộ Tài chính cho biết, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thu được những kết quả quan trọng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bộ luôn đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như thuế, hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công; công tác thanh tra, kiểm tra… trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và các hình thức công khai khác theo quy định để người dân thuận tiện tiếp cận, tra cứu và giám sát.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính chú trọng tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.

Bộ cũng đã chủ động thực hiện tuyên truyền về các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách chi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, rà soát nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Bộ xác định đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến ngày 14/3/2024, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Vẫn còn những hạn chế, khó khăn

Bộ Tài chính cho biết, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn khó khăn. Trong đó, phương thức thanh toán điện tử hạn chế dùng tiền mặt trong xã hội mới chỉ dừng lại ở phạm vi bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong các quy định của luật thuế mà chưa có sự khuyến khích việc thanh toán qua ngân hàng trong tiêu dùng của các cá nhân nên việc kiểm soát phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.

Bởi vậy, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tài chính, cần có sự phối hợp giữa các cấp ở địa phương và các đơn vị ngành; xác định rõ cơ chế quản lý, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức đơn vị; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo rủi ro… từ đó bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra

Trong quý I/2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính hơn 14.630 tỷ đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách Nhà nước và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm, giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị; đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.


H.A