Theo TI Germany, bê bối Wirecard không chỉ khiến danh tiếng, hình ảnh của đất nước bị tổn hại, mà còn tiết lộ những vấn đề mang tính cấu trúc trong hệ thống pháp luật của Đức.

Vụ việc đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể và lẽ ra đã có thể tránh được.

Bê bối Wirecard

Giữa tháng 6/2020, công ty công nghệ tài chính (fintech) nổi tiếng của Đức Wirecard dính vào nhiều bê bối tài chính nghiêm trọng. Sau khi thông tin lỗ hổng tài khoản Wirecard được công bố bởi các kiểm toán viên của Ernst&Young - công ty kiểm toán hàng đầu Anh quốc, những bí mật đen tối dần hé lộ.

Ngày 23/6, Giám đốc Điều hành (CEO) của Wirecard là Markus Braun đã bị bắt vì vô số sai phạm.

Với vị trí CEO tại Wirecard, Markus Braun đã sử dụng hàng triệu USD tiền riêng và mượn khoảng 150 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche để đầu tư vào Wirecard.

Markus Braun đã thực hiện khai khống cho Wirecard 2,1 tỷ USD. Để thu hút thêm các nhà đầu tư và khách hàng, CEO Wirecard đã thổi phồng tài sản và doanh thu của công ty thông qua các giao dịch giả với bên “mua thứ ba” để tạo nên vỏ bọc một công ty vững mạnh về tài chính.

Lỗ hổng lớn trong giám sát rửa tiền

Các câu hỏi về sự minh bạch của Wirecard bắt đầu nổi lên vào năm 2008, sau khi người đứng đầu một hiệp hội cổ đông tại Đức cáo buộc tài khoản chung của công ty vào năm 2007 không phản ánh đầy đủ tình hình tài chính và có nhiều sai lệch.

Để đối phó, Wirecard đã thuê Ernst&Young để thực hiện một cuộc kiểm toán toàn diện và kết quả cho thấy không có sự bất thường.

TI Germany cho rằng, Wirecard không phải là trường hợp cá biệt. Khi xem xét một số vụ bê bối trong quá khứ, không có gì đáng bất ngờ khi phát hiện ra rằng, các cơ quan có trách nhiệm giám sát đã không kiên định và hành động chống lại gian lận. 

Ví dụ, Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang (BaFin) và Hội đồng Thực thi báo cáo tài chính Đức (DPR) đã không hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ pháp lý. Các kiểm toán viên Ernst & Young được Wirecard thuê để thực hiện kiểm toán rõ ràng đã "nhắm mắt làm ngơ" với bản đối chiếu thu chi của Wirecard trong một thời gian quá dài.

Stephan Klaus Ohme, Trưởng phòng Tài chính của Nhóm công tác tại TI Germany, phân tích: Các giám sát viên tài chính, kiểm toán viên, ngân hàng cho vay, các nhà phân tích, các nhà quản lý quỹ và các chính trị gia - tất cả họ đang phải đối mặt với một vấn đề lớn nan giải. Vụ việc này đặt ra rất nhiều câu hỏi: Có phải Wirecard chỉ là phần nổi của tảng băng trôi? Nguy cơ nào có thể nảy sinh từ sự gia tăng những ám muội của các dịch vụ công cho tới các nhà cung cấp khu vực tư nhân? Làm thế nào chúng ta bảo đảm được rằng các nhóm lợi ích giàu quyền lực không làm giảm hiệu lực thực thi của pháp luật?

Bê bối Wirecard cũng được xem như một điển hình cho thấy những lỗ hổng đáng kể trong giám sát rửa tiền. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi FAZ, không có cơ quan giám sát nào của Đức được xem là chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn hoạt động rửa tiền của công ty mẹ Wirecard AG.

Bởi vậy, theo TI Germany, ngoài việc quan tâm cải cách các cơ quan giám sát tài chính, các công ty kiểm toán trốn tránh trách nhiệm, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư và xã hội, cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.

Thiếu sự sát sao thông tin nội bộ


Những người tố giác là bộ phận không thể thiếu trong việc phát hiện ra những sai phạm, bất công bằng và hành vi phạm tội. Trong vụ việc Wirecard đã có những dấu hiệu bất thường về kế toán kể từ năm 2008. Tuy nhiên, Wirecard mới chỉ bị điều tra trong vài tháng nay. 

Trong khi đó, cơ quan giám sát tài chính BaFin xác nhận, họ đã nhận được thông tin nội bộ về những bất thường tại Wirecard từ cuối tháng 1 năm 2019. Trước đó, một số vụ bê bối như Cum-Ex, cũng đã xảy ra tình trạng người tố giác không được xem trọng hoặc bị bỏ qua một bên.

Đáng chú ý, TI Germany cho biết, tồn tại những hành động chống lại một số người tố giác và các nhà báo. 

Theo New York Times, một số nhà phân tích tài chính, quỹ phòng hộ và các cá nhân từng là khách hàng… phần lớn những người chỉ trích Wirecard mạnh mẽ, đều báo cáo rằng họ trở thành mục tiêu của một chiến dịch tấn công mạng kéo dài.

Trong số đó có Matthew Earl, một nhà đầu tư và đồng tác giả của bản báo cáo công bố bởi Zatarra - một công ty nghiên cứu và điều tra tài chính, tuyên bố đã tìm ra bằng chứng rằng, đế chế Wirecard đang có những hoạt động rửa tiền. Ông Earl nghi ngờ Wirecard cố tình làm sai lệch lợi nhuận và bản cân đối kế toán, một phần thông qua việc sáp nhập các công ty với giá cao ngất ngưởng.
 
Ngay sau khi đăng báo cáo, ông Earl nói rằng mình đã bị bí mật theo dõi ở nhà cũng như nơi làm việc, và trở thành nạn nhân của một chiến dịch lừa đảo tinh vi qua email để thu thập thông tin cá nhân của ông cũng như gia đình mình.

Louisa Schloussen, Trưởng nhóm Công tác về tố giác của TI Germany, nhấn mạnh: "Bê bối Wirecard cho thấy, quy trình tố giác vốn được ngợi ca của BaFin vẫn là chưa đủ. Các nhà chức trách cần có hành động tiếp theo và kịp thời thông báo cho người tố giác về các giải pháp được thực hiện. BaFin cũng không nên "bất động" trong 1 năm trời... Luật pháp của Đức cần phải đưa ra một quy định toàn diện để bảo vệ người tố giác và bao gồm cả việc báo cáo những vi phạm pháp luật quốc gia".

Hoài Phương