Sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan tố tụng nếu phát hiện vi phạm hình sự

Theo Văn bản số 116 ngày 18/9/2020 của Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk: Sau khi Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Đắk Lắk nhận được thông tin phản ánh của Công ty TNHH Totalgaz Việt Nam (Cty Totalgaz) về việc chủ hộ kinh doanh gas Văn Sơn (địa chỉ tại xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) kinh doanh hàng hóa giả nhãn hàng hóa, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện cửa hàng này vi phạm hành chính về hành vi: Buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ.

Đến ngày 11/9/2020, Đội QLTT số 4 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng này với số tiền 2,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính 14 chai LPG nhãn hiệu Elf gaz.

Văn bản số 116 nêu rõ: Quá trình kiểm tra, ông Trần Văn Sơn chủ cửa hàng gas Văn Sơn đã cung cấp cho đoàn kiểm tra Hóa đơn GTGT số 0000848 ngày 13/7/2020 do Công ty TNHH Thanh Minh Ban Mê (Cty Thanh Minh Ban Mê) có địa chỉ tại Lô C05, Khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, TP Buôn Mê Thuật, Đắk Lắk xuất bán 15 chai hiệu Elf gaz loại 12,5kg (trong đó có 14 chai LPG giả mạo nêu trên).

Ngày 23/7/2020, Cục QLTT Đắk Lắk đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối với Cty Thanh Minh Ban Mê. Tại thời điểm kiểm tra Cty Thanh Minh Ban Mê đang kinh doanh các sản phẩm gas mang nhãn hiệu Elfgaz có đầy đủ hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT của các đơn vị phân phối là: Công ty TNHH MTV Bảo Liên, Công ty TNHH TM gas Hải, Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại và Dịch vụ Thanh Tin.

Cục QLTT Đắk Lắk đã chỉ đạo Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội QLTT số 1 tiếp tục thẩm tra xác minh, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, quá trình thẩm tra, xác minh nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì Cục QLTT sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan tố tụng hình sự theo quy định.

leftcenterrightdel
Ông Mã Duy Long có liên quan đến "Hiệp hội Gas Đắk Lắk" hoạt động phi pháp từ năm 2019 vẫn chưa thấy bị hề hấn gì

Cty Thanh Minh Ban Mê đã “ăn vạ” như thế nào?

Ngay sau khi Báo Thanh tra có phản ánh, ngày 10/8/2020 Cty Thanh Minh Ban Mê đã có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng từ Trung ương và tỉnh Đắk Lắk đề nghị giải quyết quyền lợi cho công ty có nêu: Nội dung bài báo đề cập đến hoạt động kinh doanh của Cty Thanh Minh Ban Mê mà phóng viên chưa một lần liên hệ với công ty chúng tôi để có thông tin viết bài mà chỉ căn cứ vào thông tin một chiều từ vị đại diện Totalgaz phụ trách vấn đề pháp chế nào đó không biết có đủ năng lực và chức năng giám định hàng thật, hàng giả khi chưa có kết luận chính thức của đơn vị có chức năng để phản ánh thông tin một chiều làm bạn đọc hiểu nhầm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Báo Thanh tra đã đăng tải thông tin được cung cấp bởi Đội QLTT số 4, Cục QLTT Đắk Lắk khi tiến hành kiểm tra tại cửa hàng Vân Sơn như đã nói ở trên.

Khi kiểm tra, thì chủ cửa hàng Vân Sơn đã xuất trình hóa đơn GTGT chứng minh số hàng hóa bị lực lượng QLTT tạm giữ là được Cty Thanh Minh Ban Mê xuất ra.

Sau đó, Đội QLTT số 4 đã xử phạt cửa hàng Vân Sơn số tiền 2,5 triệu đồng về hành vi “kinh doanh hàng hóa giả nhãn hàng hóa” đồng thời tịch thu 14 chai LPG giả nhãn hiệu Elfgaz của Cty Totalgaz Việt Nam để xử lý.

Báo Thanh tra chỉ mới đề cập đến việc những chai LPG mang nhãn hiệu Elfgaz giả này được ghi trong hóa đơn GTGT bởi Cty Thanh Minh Ban Mê chứ chưa nói đơn vị này sản xuất gas giả, gas lậu thì đơn vị này đã ngay lập tức gửi đơn đi khắp nơi đề nghị xử lý báo.

Thậm chí công ty này còn đòi Báo Thanh tra phải công khai xin lỗi theo quy định của pháp luật và chấm dứt đăng tải về việc sử dụng hình ảnh của Cty Thanh Minh Ban Mê vì đã làm ảnh hưởng mất uy tín của công ty.

Như vậy, Báo Thanh tra đã phản ánh đúng thực tế là cửa hàng Vân Sơn tại huyện Krông Năng đã bán gas giả nhãn hiệu Elfgaz của Cty Totalgaz Việt Nam và bị xử lý. Các chai gas cửa hàng này được mua từ Cty Thanh Minh Ban Mê.

“Các sản phẩm LPG chai (bình gas) được công ty chúng tôi cung cấp tới khách hàng luôn đảm bảo chất lượng, hoàn toàn không có việc làm giả, làm nhái nhãn hiệu sản phẩm để cung cấp ra thị trường”- văn bản của Cty Thanh Minh Ban Mê khẳng định.

Nếu đúng như thế thì đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý cửa hàng gas Vân Sơn vì đã bán các sản phẩm LPG chai giả nhãn hiệu Elfgaz của Cty Totalgaz. Trong khi cửa hàng này đã xuất trình hóa đơn mua từ Cty Thanh Minh Ban Mê.

Cũng Văn bản 116 của Cục QLTT Đắk Lắk cho biết: Cty Thanh Minh Ban Mê đang kinh doanh các sản phẩm gas mang nhãn hiệu Elfgaz có đầy đủ hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT của các đơn vị phân phối là: Công ty TNHH MTV Bảo Liên, Công ty TNHH TM gas Hải, Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại và Dịch vụ Thanh Tin.

Về vấn đề này, Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại và Dịch vụ Thanh Tin khẳng định bằng văn bản là từ ngày 1/5/2020 không còn xuất bán những chai gas mang nhãn hiệu Elfgaz cho Cty Thanh Minh Ban Mê.

Còn Công ty TNHH MTV Bảo Liên (có địa chỉ tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cách Cty Thanh Minh Ban Mê gần 300km) đã làm văn bản gửi Cty Totalgaz cho biết: 15 giờ chiều, ngày 13/7/2020 có xuất bán cho Cty Thanh Minh Ban Mê 272 chai LPG mang nhãn hiệu Elfgaz. Theo như giá hóa đơn phía Cty Bảo Liên xuất cho Cty Thanh Minh Ban Mê cộng với giá vận chuyển thì đúng bằng giá phía Cty Thanh Minh Ban Mê bán ra cho cửa hàng Vân Sơn (tức là Cty Thanh Minh Ban Mê bán không có lãi trong khi công ty này có trạm chiết nạp và đang bán các sản phẩm gas mang thương hiệu của mình).

Cũng văn bản của Cty Thanh Minh Ban Mê cho biết: Ngày 23/7/2020, Ban 389 của tỉnh đã kiểm tra và phát hiện công ty có vi phạm là “không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền” theo quy định Điều 42 Nghị định 67/2017 ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Lại nói về Cty Thanh Minh Ban Mê, ông Mã Duy Long, người ký văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị xử lý Báo Thanh tra về hành vi đăng tin đúng sự thật nói trên, năm 2019 đã tham gia thành lập “Hiệp hội Gas Đắk Lắk” hoạt động chui để thu tiền 5 nghìn đồng “bất chính” trên mỗi bình gas, móc túi người tiêu dùng trong tỉnh Đắk Lắk. Báo Thanh tra đã phanh phui nhưng đến nay vẫn chưa thấy bị xử lý thì năm 2020 lại liên quan đến vụ việc gas giả, gas nhái này.

Hiện đang tồn tại thông tin rằng ông Long có liên quan đến ông H, một trùm gas lậu. Không biết thực hư việc này như thế nào chỉ biết rằng “Hiệp hội ma” kia đã tồn tại thời gian dài tại tỉnh Đắk Lắk và thu được số tiền không hề nhỏ khiến người tiêu dùng bị thiệt.

Phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cũng như Công an tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu làm rõ việc này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Còn liên quan đến cửa hàng Vân Sơn bán gas giả, mới đây Tổng cục QLTT đã có văn bản yêu cầu Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk xem xét kỹ lại hồ sơ vụ việc nếu phát hiện có sai sót thì kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả.

Nam Dũng - Thành Nam