Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Bộ Y tế

Phương Anh

Thứ tư, 27/11/2024 - 21:42

(Thanh tra) - Chiều 27/11, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ do ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc tại Bộ Y tế về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: PV

Về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ.

Nội dung buổi làm việc bao gồm: Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Hoàng Kim Ngân cho biết, đối với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, thời gian qua Bộ Y tế đã công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thực hiện Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; Bộ Y tế ban hành quy định về chức năng, hiệm vụ, cơ cấu tổ chức của 18 tổ chức hành chính thuộc Bộ. Chỉ đạo hướng dẫn xây dựng, thẩm định ban hành đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của 18/18 tổ chức hành chính thuộc Bộ và phê duyệt đề án vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp cho tất cả 80 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ và trực thuộc xây dựng kế hoạch thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức và tổ chức thi tuyển.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Trần Văn Long, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ Y tế đã chủ trì xây dựng, ban hành các văn bản quy định về giá dịch vụ y tế, tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô, trang thiết bị; việc xây dựng, ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực y tế… Lập và phân bổ dự toán chi thường xuyên được giao cho các đơn vị theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện; theo nguyên tắc công khai, dân chủ, có xây dựng tiêu chí phân bổ cho các cơ sở đào tạo, cơ sở dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh, quản lý hành chính; bảo đảm chế độ cho người lao động, cho các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cho y tế dự phòng, ưu tiên các đơn vị không có nguồn thu, nguồn thu thấp…

Bộ Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh một số nội dung liên quan đến xây dựng, lập dự toán, phân bổ, thực hiện dự toán, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, mua sắm, đấu thầu, liên doanh, liên kết, đôn đốc giải ngân các dự án đầu tư công… Ban hành chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hướng dẫn các đơn vị dự toán trực thuộc tổ chức thực hiện, góp phần vào công tác PCTN…

Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về tặng quà, nhận quà tặng và kiểm soát xung đột, lợi ích, Bộ Y tế xây dựng nhiều kế hoạch triển khai thực hiện, phát động nhiều phong trào thi đua nhằm giáo dục, động viên và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Bộ Y tế thực hiện về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán tiền mặt, tích cực triển khai thực hiện đơn giản hoá các thủ tục hành chính…

Đến thời điểm báo cáo, 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau. 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Hoàng Kim Ngân báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: PV

Báo cáo cũng nêu rõ, thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, hằng năm Bộ Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thực hiện kê khai tài sản, thu nhập theo Luật PCTN. Quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản, thu nhập và các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập; theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai…

Đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN tại Bộ Y tế, Bộ Y tế cho biết, Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối toàn diện, cụ thể và rõ ràng nên cơ bản thuận lợi trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác PCTN.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, hiện vẫn còn một số bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công tác PCTN; Trong công tác PCTN của cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là trong phát hiện xử lý hành vi tham nhũng; Những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định về việc kê khai tài sản, thu nhập…

Tại buổi làm việc, đại diện các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế đã chia sẻ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Khó khăn trong thực hiện luân chuyển công tác cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, việc thanh toán tiền mặt trong các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như những vướng mắc trong công tác thể chế, cải cách thủ tục hành chính, mua sắm công, kê khai tài sản, thu nhập.

Trên cơ sở đó, các ý kiến tại buổi làm việc kiến nghị Thanh tra Chính phủ thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo hướng dẫn về việc thực hiện Luật PCTN; các quy định về xác minh tài sản, thu nhập.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV

Qua nghe báo cáo tại buổi làm việc cũng như nghiên cứu hồ sơ và các ý kiến tham gia tại buổi làm việc, Tổ công tác đã đề nghị Bộ Y tế làm rõ, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; việc xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kết quả thanh tra; việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về tặng quà, nhận quà tặng; việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Trần Văn Long - Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận những kết quả tích cực của Bộ Y tế trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Qua buổi làm việc cũng như trên cơ sở các ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, ông Trần Văn Long đề nghị Bộ Y tế cần bổ sung một số thông tin, thống kê số liệu cụ thể đối với từng nội dung.

Theo ông Long, ngoài những khó khăn, vướng mắc được chỉ ra thì Bộ Y tế cũng nên đưa những nội dung được đánh giá có hiệu quả tích cực như việc thực hiện cải cách hành chính. Kết quả đó góp phần rất tốt trong việc thực hiện chính sách PCTN và hiệu quả PCTN của Bộ.

Ngoài ra, Bộ Y tế nên bổ sung nội dung công tác thanh tra, kiểm tra vào báo cáo do kết quả công tác thanh tra, các kết luận thanh tra có liên quan đến hiệu quả cũng như cách tổ chức các biện phòng ngừa tham nhũng.

Đối với việc công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ đề nghị bổ sung thêm một số nội dung như việc cung cấp thông tin theo yêu cầu tổ chức báo cáo, việc thực hiện trách nhiệm giải trình; việc cung cấp thông tin khi được yêu cầu, nhất là việc tổ chức họp báo mà theo ông Long đó cũng là một cách công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của Bộ.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Y tế nên có các cuộc thanh tra, kiểm tra đánh giá hiệu quả về quá trình công khai, minh bạch được thực hiện như thế nào trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Đối với việc xây dựng định mức tiêu chuẩn, ông Trần Văn Long đề nghị Bộ Y tế bổ sung rõ nét hơn việc đã ban hành bao nhiêu định mức tiêu chuẩn ở cấp Bộ, các đơn vị.

Đối với nội dung thực hiện các quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; quy định về tặng quà, nhận quà tặng và kiểm soát xung đột lợi ích, đề nghị bổ sung thông tin Bộ Y tế đã ban hành những quy tắc ứng xử như thế nào đối với từng ngành cụ thể…

Ngoài ra, ông Long đề nghị Bộ Y tế làm rõ thêm thông tin cụ thể về kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Đề nghị Bộ Y tế báo cáo thống kê cụ thể hơn, số liệu về thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt…

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cảm ơn Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc, trao đổi làm rõ các nội dung liên quan đến việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại Bộ Y tế.

Qua ý kiến của Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Y tế giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các cục, vụ, đơn vị xây dựng, bổ sung báo cáo đầy đủ các nội dung theo đề nghị của Tổ công tác.

Đồng thời mong thời gian tới tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Thanh tra Chính phủ để ngành Y tế, Bộ Y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái yêu cầu thực hiện nghiêm công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập

Yên Bái yêu cầu thực hiện nghiêm công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập

(Thanh tra) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh và các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập theo các quy định của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu là góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, vững chắc hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Bùi Bình

17:25 04/12/2024
Nghệ An: Đẩy mạnh xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài và mới phát sinh

Nghệ An: Đẩy mạnh xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài và mới phát sinh

(Thanh tra) - Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực năm 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh và các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Văn Thanh

06:00 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm