Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cục QLTT muốn “xoá sổ” doanh nghiệp đối đầu với “Hiệp hội ma”?

Thứ sáu, 01/11/2019 - 16:29

(Thanh tra) – Kiểm tra doanh nghiệp (DN) không phát hiện sai phạm, thay vì xử lý đối với cán bộ thực thi công vụ sai quy trình, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk lại làm văn bản đề nghị “xóa sổ” DN, càng khiến dư luận đặt nghi vấn nhiều hơn về một “bàn tay nối dài” của “Hiệp hội Gas” bất hợp pháp.

Hai tháng sau khi thu giữ tài sản của DN Thanh Tin để rồi phải trả lại nhưng không hiểu "động cơ" gì mà Cổng thông tin Cục QLTT Đắk Lắk và Cổng thông tin Tổng cục QLTT đã ngay lập tức bêu tên DN? Ảnh: ND

Ai muốn “diệt” Thanh Tin?

Như Báo Thanh tra đã phản ánh, DN Tư nhân thương mại dịch vụ Thanh Tin (gọi tắt là DN Thanh Tin, trụ sở tại 42 Nguyễn Văn Trỗi, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) là một tổng đại lý kinh doanh khí gas (LPG) tại khu vực Đắk Lắk của nhiều công ty, tập đoàn lớn từ năm 2000 đến nay.

Nhiều năm qua, các hoạt động kinh doanh mua bán của DN này diễn ra bình thường. Hàng năm vẫn có các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng và DN đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật và chưa bị xử phạt hành chính lần nào.

Thậm chí, đến ngày 27/5/2019, Đội QLTT số 4, Cục QLTT Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với DN Thanh Tin, vẫn kết luận Thanh Tin “chấp hành đúng nội dung kiểm tra”.

Nhưng từ khi nhiều lần từ chối không tham gia “Hiệp hội Gas” bất hợp pháp thì DN Thanh Tin bắt đầu gặp “sóng gió” từ nhiều phía, khiến DN này đứng trước bờ vực phá sản.

DN phải cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương và nhiều cơ quan ban, ngành khác tại tỉnh Đắk Lắk với mong muốn “được làm ăn bình thường, đúng pháp luật”. Nhưng, điều đơn giản ấy lại bất khả thi vì Thanh Tin đã công khai không theo bè phái của “hiệp hội ma”.

Cụ thể, ngày 9/7/2019, DN Thanh Tin bị Đội QLTT số 4 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nội dung kiểm tra về việc “chiếm giữ trái phép, mua bán trao đổi, lưu giữ chai LPG không thuộc sở hữu”.

Vẫn hàng hóa như vậy, vẫn hoạt động như vậy, vừa mới hơn một tháng trước Đội QLTT số 4 đã kiểm tra và kết luận Thanh Tin chấp hành tốt pháp luật, không có sai phạm. Nay “bất ngờ phát hiện” DN lưu giữ 1.919 vỏ bình gas loại 12kg mang các thương hiệu khác nhau như All Gas, gas Phụng, VT gas, KT gas...

Video an ninh của DN ghi lại toàn bộ quá trình thu giữ tang vật: Nhốn nháo, lộn xộn, vô tổ chức, hành xử thiếu chuyên nghiệp. Tài sản của DN bị mang đi không theo quy trình pháp luật quy định. Nếu không có vài người mặc trang phục của ngành QLTT thì nhiều người xem video an ninh sẽ lầm tưởng đây là một nhóm cướp. 

1919 chai LPG trị giá vài trăm triệu đồng đã bị thu giữ, mang đến một kho hàng không đảm bảo. Chủ DN không được ký nhận lô hàng, hàng cũng không được niêm phong và tạm giữ ở đâu cũng không biết. 

Khó có thể gọi đây là cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, vì xét về mọi góc độ, nó giống một “cuộc đánh úp” DN. Những người thi hành công vụ làm ẩu nên dẫn đến chủ của kho chứa hàng mà Đội QLTT thuê đã bị Công an thị xã Buôn Hồ xử phạt hành chính sau đó. 

Sự bất bình thường còn thể hiện ở chi tiết: Chiều 9/7/2019 mới có quyết định kiểm tra DN, đến 20 giờ tối mới lập biên bản xong, ngay lập tức đã có “Giấy mời” DN lên làm việc cũng được ký ngày 9/7/2019 với nội dung “để làm rõ nội dung liên quan đến hàng hóa là chai LPG các loại đang tạm giữ tại Đội QLTT số 4”.

Dường như, giấy mời đã được chuẩn bị trước, mọi sự đã nằm trong “kịch bản”, vì thời điểm đưa giấy mời chưa một ai có thể khẳng định trước kết quả DN có vi phạm gì. Trừ trường hợp ai đó lợi dụng công vụ để “thòng” DN vào “thế”.

Tình tiết đáng quan tâm là việc Thanh Tin mới chỉ bị kiểm tra, thu giữ bình LPG, thì ngay ngày hôm sau trên website Cổng Thông tin điện tử của Cục QLTT Đắk Lắk và Tổng cục QLTT cũng đăng tin vụ việc như một “chiến công” của ngành QLTT Đắk Lắk. 

Cần nói thêm rằng, lực lượng QLTT Đắk Lắk đã thanh, kiểm tra nhiều DN, nhưng tiền lệ chưa có DN nào bị “bêu tên” trên Cổng thông tin nhanh như thế, mà đều phải đợi có kết luận rõ ràng về sai phạm. Đăng tin một chiều có thể giết chết một DN, kéo theo đó là miếng cơm manh áo của hàng trăm lao động và gia đình họ. 

Ông Trương Văn Nhương, Cục phó Cục QLTT Đắk Lắk, khẳng định rằng việc đăng tin về DN Thanh Tin là không sai, nhưng có đúng lương tâm không thì chắc ông Nhương rõ hơn ai hết. 

Thu giữ tang vật của DN sau hàng chục ngày mới ký niêm phong. Ảnh: ND

“Vạch lá tìm sâu”

Sau gần 2 tháng “vạch lá tìm sâu”, ngày 3/9/2019 (gần hết thời hiệu phải xử lý là 60 ngày), Đội QLTT số 4 đã lập Biên bản có nội dung cửa hàng bán lẻ LPG chai của DN Thanh Tin (có cùng địa chỉ với DN Thanh Tin) “thực hiện việc thu hồi chai LPG từ người tiêu dùng (khách lẻ)”, tổng cộng 65 vỏ chai LPG trong tổng số 1.919 đã thu của DN Thanh Tin trước đó.

Đội QLTT số 4 có dấu hiệu vi phạm và chèn ép DN nhưng Cục QLTT thay vì nhắc nhở, kiểm điểm rút kinh nghiệm lại để Đội QLTT lấn sâu hơn, cụ thể:

Thứ nhất, Đội QLTT số 4 không có biên bản ghi nhận hành vi vi phạm hành chính của cửa hàng bán lẻ thuộc DN Thanh Tin tại thời điểm kiểm tra theo Quyết định kiểm tra.

Thứ hai, Đội QLTT số 4 không ghi nhận được 65 vỏ chai LPG cụ thể là chai nào vì không ghi số seri từ đầu lúc tạm giữ và mang đi, nên giờ trả lại cho DN Thanh Tin thì không thể biết được nguồn gốc. DN hoàn toàn có quyền nghi ngờ lực lượng QLTT tráo hàng nhằm “bắt vạ” DN. Vì trong số 1.919 vỏ chai LPG thì có đến hơn 900 vỏ có dấu hiệu cắt tai, mài vỏ không có kiểm định an toàn (tức là không đủ điều kiện an toàn để chứa LPG lưu thông trên thị trường).

Mặc dù chưa bảo đảm về thủ tục pháp lý, ngày 6/9/2019, Cục QLTT Đắk Lắk vẫn ra quyết định xử phạt cửa hàng bán lẻ Thanh Tin với số tiền là 70 triệu đồng về hành vi “chiếm giữ trái phép chai LPG không thuộc sở hữu, quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 42, Nghị định 67 ngày 25/5/2017 của Chính phủ”. 

DN Thanh Tin cho rằng Cục QLTT Đắk Lắk “cố đấm ăn xôi”, còn phía QLTT vẫn cho rằng… đúng quy trình.

Lúc thu “ầm ầm”, lúc trả… “âm thầm” 

Tổ chức lực lượng đông đảo đến thu giữ tài sản của DN và mang đến cất giữ ở một kho chứa không đúng quy định, QLTT đã bị Công an Buôn Hồ yêu cầu chuyển đến kho đủ điều kiện an toàn. Sau đó, QLTT phải ra quyết định trả lại cho DN 1.854 chai LPG. 

Tại Quyết định số 00021959 ngày 6/9/2019, Đội trưởng Đội QLTT số 4 Trần Văn Hải đã ký trả lại DN Thanh Tin 1.854 vỏ chai LPG với lý do “đã xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật”. Khi trả lại tài sản, QLTT không có trang thiết bị vận chuyển, lại đề nghị DN Thanh Tin hỗ trợ mang xe đến để chở số vỏ chai LPG về. 

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt tới các DN, đặc biệt là kinh tế tư nhân, bởi họ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc “chấn chỉnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN”, trong đó nhấn mạnh không thanh tra, kiểm tra DN một năm quá một lần. Chỉ thị của Thủ tướng nhằm dẹp bỏ nạn nhũng nhiễu, phiền hà DN một số cơ quan, cán bộ thi hành công vụ. Không hiểu, Chỉ thị của Thủ tướng đã đến với những lãnh đạo, cán bộ ngành QLTT Đắk Lắk?

Có thể, QLTT Đắk Lắk vẫn cho rằng mình làm đúng quy trình, vì có tố giác của DN khác (mà đều có tên trong danh sách Hiệp hội Gas bất hợp pháp) nên mới thu giữ tài sản của DN Thanh Tin. Vậy cứ có tố giác, chưa xác minh, thiếu căn cứ, mà thực hiện hàng loạt hoạt động sai quy trình như trên, thì chẳng phải QLTT Đắk Lắk có thể nhũng nhiễu bất cứ DN nào trên địa bàn? Vậy Chỉ thị của Thủ tướng có ý nghĩa gì với QLTT Đắk Lắk?

Cục QLTT muốn “xoá xổ” DN đối đầu với “Hiệp hội Gas”?

Không dừng lại ở việc “vạch lá tìm sâu”, Cục QLTT Đắk Lắk còn tiến thêm một bước trong xử lý DN Thanh Tin. 

Ngày 17/9/2019, Cục QLTT Đắk Lắk có Công văn số 730 gửi Sở Công thương Đắk Lắk kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện Tổng Đại lý và cửa hàng bán lẻ của DN Thanh Tin với lý do: “Qua kiểm tra, xác định DN Thanh Tin đang thực hiện chiếm giữ trái phép chai LPG của các DN khác. Đối với cửa hàng bán lẻ chai LPG Thanh Tin thuộc DN Thanh Tin đã xác định được hành vi vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 87 thì không xác định được hành vi vi phạm hành chính của tổng đại lý mua, bán LPG sau khi chuyển tiếp. Đồng thời Nghị định 87 không quy định đối với hành vi chiếm giữ trái phép chai LPG nhưng thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện được quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 46 Nghị định 87 của Chính phủ nên đề nghị Sở Công thương Đắk Lắk xem xét quyết định”. 

Có thể hiểu ý của Cục QLTT Đắk Lắk là: Cửa hàng bán lẻ LPG Thanh Tin thuộc tổng đại lý phân phối LPG của DN Thanh Tin nên khi cửa hàng (đại lý) này bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ nằm trong điều kiện có thể bị thu hồi giấy phép. Từ đó tổng đại lý cũng nằm trong diện có thể bị thu hồi Giấy phép hoạt động!

Trên thực tế, tổng đại lý Thanh Tin có tới 58 đại lý bán lẻ phân bổ ở nhiều nơi trong địa bàn. Vậy cứ một đại lý bất kỳ vi phạm là thu hồi giấy phép hoạt động của cả tổng đại lý như ý kiến của Cục QLTT Đắk Lắk? Nếu điều đó xảy ra, thị trường gas Đắk Lắk sẽ có sự xáo trộn rất lớn. 

Thêm nữa, nếu áp dụng điều này, có thể sẽ tạo tiền lệ để lực lượng QLTT ở nhiều nơi nhũng nhiễu DN, bởi thị trường gas rất nhạy cảm, tồn tại nhiều hoạt động đã thành lệ mà pháp luật chưa quy định, dẫn đến việc QLTT phạt cũng được mà không phạt cũng xong. 

Ở nhiều địa phương, các cơ quan quản lý luôn có sự kiểm tra, giám sát, sẵn sàng hỗ trợ DN khắc phục những tồn tại, thiếu sót để phát triển, góp phần cho kinh tế địa phương đi lên. Thế nên, để đến mức bị “dìm” như DN Thanh Tin, nguyên nhân sâu xa chỉ có “nhóm lợi ích” mới nắm rõ nhất. 

Báo Thanh tra sẽ “điểm mặt, kể tên” những đơn vị có trách nhiệm liên quan, nhưng đã không làm đúng vai trò trách nhiệm, để “Hiệp hội Gas” tác oai, tác quái ở Đắk Lắk.

Nam Dũng – Thành Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm