Nghi vấn nâng khống giá mua máy xét nghiệm?

Ngày 7/9/2016, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 2399/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế tại BVĐK tỉnh Thái Bình. Theo đó, BVĐK tỉnh Thái Bình được giao làm chủ đầu tư dự án mua sắm đồng bộ trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị phòng mổ, hệ thống xạ trị… với quy mô hơn 309 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn vay trong thời gian 10 năm từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank) là hơn 262 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của bệnh viện hơn 46 tỷ đồng.

Từ các căn cứ nói trên, BVĐK tỉnh Thái Bình đã triển khai đầu thầu mua sắm trang thiết bị, tuy nhiên, giá trị nhiều máy mua về được xem là có giá cao bất thường?

leftcenterrightdel
 Một thiết bị máy móc do BVĐK tỉnh Thái Bình mua được cho là có giá cao bất thường

Năm 2017, BVĐK tỉnh Thái Bình mua máy chụp mạch DSA 1 bình diện của Hãng Philips với giá hơn 30,7 tỉ đồng. Đến năm 2019, bệnh viện được Ban Quản lý Dự án Norred (Bộ Y tế) bàn giao 1 máy chụp mạch DSA tương tự cũng do Hãng Philips sản xuất chỉ có giá hơn 11,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều hệ thống thiết bị máy móc khác mà BVĐK tỉnh Thái Bình mua sắm như: Hệ thống máy chụp CT 16 lát Hãng Siemens - Somato Scope; hệ thống máy xạ trị Hãng Elekta - Thụy Điển; máy chụp CT 32 lát trong xạ trị… đều được cho là có nghi vấn nâng giá cao bất thường so với cùng chủng loại cần được làm rõ?

Trong khi những nghi vấn về giá mua máy của BVĐK tỉnh Thái Bình có dấu hiệu cao bất thường chưa được cơ quan chức năng làm rõ, thì hiện các chi phí khám chữa bệnh liên quan đến các thiết bị máy móc này đã bị đẩy lên cao do phải chịu cả chi phí mua máy, trả lãi vay ngân hàng.

Ngày 19/4/2019, Sở Y tế tỉnh Thái Bình có Công văn số 308/SYT-KHTC đồng ý cho BVĐK tỉnh Thái Bình: “Tính khấu hao tài sản, tiền lãi vay ngân hàng vào giá dịch vụ y tế thực hiện trên những trang thiết bị có giá trị lớn như hệ thống xạ trị, máy CT mô phỏng, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để thực hiện trả gốc và trả lãi ngân hàng”.

Dấu hiệu lợi ích nhóm ở BVĐK tỉnh Thái Bình?

Theo các văn bản về phân công nhiệm vụ trong ban lãnh đạo  BVĐK tỉnh Thái Bình, từ nhiều năm nay, ông Giang Hoài Nam, Phó Giám đốc được giao phụ trách các mảng liên quan đến công tác dược, trang thiết bị y tế và nhiều phòng, khoa chuyên môn khác.

Qua tìm hiểu phóng viên Báo Thanh tra được biết, BVĐK tỉnh Thái Bình có quy hoạch dành vị trí phòng A1, tầng 1 khu nhà 5 tầng của bệnh viện làm nhà thuốc.

Tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 15/2011/-BYT ngày 19/4/2011 quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện nêu rõ: “Đối với bệnh việc trực thuộc Bộ, bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) trừ các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, điều dưỡng, phục hồi chức năng tuyến tỉnh: Giám đốc bệnh viện phải tự tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc. Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm về hoạt động (bao gồm cả đảm bảo kinh phí) của cơ sở bán lẻ thuốc”.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, việc kinh doanh, quản lý cơ sở bán lẻ thuốc tại phòng A1 trong khuôn viên bệnh viện lại được giao cho vợ Phó Giám đốc Giang Hoàng Nam là bà Nguyễn Thị Hải Anh (SN 1970)!

leftcenterrightdel
 Nhà thuốc bệnh viện do bà Nguyễn Thị Hải Anh quản lý

Thậm chí, năm 2017, ông Hà Quốc Phòng, Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình còn ký Hợp đồng kinh tế số 111.A/HĐ-BV có thời hạn 3 năm (từ ngày 1/3/2017 đến hết ngày 28/2/2020) với bà Nguyễn Thị Hải Anh.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Hải Anh được phép kinh doanh bán lẻ các mặt hàng thuốc thành phẩm, chịu sự giám sát chuyên môn của Khoa Dược bệnh viện và chịu trách trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại nhà thuốc bệnh viện. Cũng theo hợp đồng này mỗi tháng, bà Nguyễn Thị Hải Anh sẽ nộp tiền thuê mặt bằng cho bệnh viện với mức giá 30 triệu đồng.

Như vậy có thể hiểu, việc quản lý kinh doanh nhà thuốc bệnh viện được Ban Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình giao khoán “trắng” cho bà Nguyễn Thị Hải Anh, phớt lờ các quy định hướng dẫn của Bộ Y tế?

Sự việc ông Giang Hoàng Nam, Phó Giám đốc phụ trách mảng dược, còn vợ là bà Nguyễn Thị Hải Anh được giao kinh doanh thuốc tân dược trong bệnh viện, khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khách quan, minh bạch. Có hay không dấu hiệu lợi ích nhóm “tay ba” giữa: Ông Hà Quốc Phòng, Giám đốc BVĐK tỉnh Thái Bình - bác sỹ trực tiếp điều trị kê đơn thuốc - bà Nguyễn Thị Hải Anh, vợ Phó Giám đốc Giang Hoàng Nam để cùng hưởng nguồn lợi từ việc kinh doanh mặt hàng tân dược bán cho các bệnh nhân đang điều trị tại đây?

Trong nhiều ngày tháng 6 và tháng 7/2020, phóng viên ghi nhận tình trạng luôn chật cứng người mua thuốc tại điểm bán này. Nườm nượp người mua kẻ bán trong một không gian nhỏ chỉ khoảng 20m2. Qua tìm hiểu được biết, bệnh nhân và người nhà đều được chỉ dẫn xuống nhà thuốc A1 mua thuốc!

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh những dấu hiệu khuất tất trong mua sắm, sử dụng trang thiết bị máy móc, công tác khám chữa bệnh, và điều hành quản lý kinh doanh tân dược tại BVĐK tỉnh Thái Bình trong những bài tiếp theo.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (số 7, ngõ 128 Hoàng Văn Thái, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội) là đơn vị trúng thầu việc cung ứng một số máy móc thiết bị cho BVĐK tỉnh Thái Bình. Đơn vị đã được dư luận báo chí “điểm mặt chỉ tên” khi trúng thầu gói cung cấp máy xét nghiệm Covid-19 Sở Y tế Thái Bình với giá gần 6 tỷ đồng, trong khi giá máy thực được các cơ quan chức năng xác định chỉ hơn 2 tỷ đồng.
Quang Đông