Lạ lùng trong cử người đại diện phần vốn Nhà nước

Navetco là công ty cổ phần với vốn điều lệ là 160 tỷ đồng, trong đó, Bộ NN&PTNT đại diện Nhà nước nắm 65,5% vốn điều lệ.

Bộ NN&PTNT đã cử 3 người đại diện phần vốn Nhà nước tại Navetco gồm ông Trầm Tuấn Khanh, bà Nguyễn Thị Kim Lan và bà Nguyễn Thị Hồng Hoa. Trong đó, ông Trầm Tuấn Khanh giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn bà Nguyễn Thị Kim Lan đang là Tổng Giám đốc.

Những sự cố về vắc xin liên tiếp xảy ra đối với vắc xin của Navetco khiến dư luận không khỏi hoài nghi về năng lực điều hành của bộ máy lãnh đạo công ty, cũng như trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong việc cử, quản lý, giám sát đối với người đại diện phần vốn Nhà nước tại đây.

Theo quy định của pháp luật, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác phù hợp với yêu cầu của vị trí, chức danh được cử làm người đại diện. 

 Thế nhưng, khi cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại Navetco, một đơn vị hàng đầu về sản xuất kinh doanh vắc xin và thuốc thú y, Bộ NN&PTNT lại cử 3 người có trình độ chuyên môn hoàn toàn không liên quan gì đến lĩnh vực này. Cụ thể, ông Trầm Tuấn Khanh có trình độ chuyên môn là kỹ sư cơ khí, kỹ sư máy tính; bà Nguyễn Thị Kim Lan là cử nhân kinh tế, còn bà Nguyễn Thị Hồng Hoa là thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Vì sao Bộ NN&PTNT lại cử cả 3 người đại diện phần vốn Nhà nước tại Navetco mà không có chuyên môn về vắc xin và thuốc thú y? Tiêu chí, tiêu chuẩn cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại Navetco của Bộ NN&PTNT là như thế nào? 

Phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ với ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ NN&PTNT, để tìm hiểu về quy trình cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại Navetco. Tuy nhiên, ông Giang đã từ chối làm việc và đề nghị phóng viên liên hệ làm việc trực tiếp với Navetco.

Phóng viên Báo Thanh tra nhiều lần liên hệ với Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Kim Lan theo số 0908xxx6030 để đề nghị làm việc, nhưng bà Tổng Giám đốc không nghe máy.

Còn những con số chưa được công bố

Một trong những khó khăn trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi mà hầu hết các địa phương nhắc đến đó là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán. Việc người dân tự mua vắc xin và tự tiêm cho đàn gia súc cũng không dễ kiểm soát; người dân lén lút bán lợn bệnh, lợn chết không khai báo với chính quyền càng khiến cho việc thống kê khó khăn.

Ví dụ, việc tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng thời gian vừa qua, theo thông tin của phóng viên nhận được, hơn 40 con lợn đã bị chết sau khi tiêm vắc xin của Navetco, nhưng chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hoặc theo chia sẻ của của anh Ngô Văn Hoài ở Lâm Đồng, sau khi tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn, sau 7 ngày, đàn lợn nhà anh đã bỏ ăn và chết. Sự việc được anh Hoài quay lại và chia sẻ lên mạng xã hội Youtube thu hút được gần 8 nghìn lượt người xem. Nếu không theo dõi phần bình luận phía dưới, sẽ không thể biết đó là vắc xin của Navetco, vì phía trong video clip anh Hoài chỉ nói chung chung là vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Anh Hoài thừa nhận, mình đã bán chạy số lợn này với giá 50 nghìn đồng/con (mỗi con khoảng 17-18kg)

Ông Lê Viết Thể, ở huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, chia sẻ: Từ 3 năm nay, gia đình tôi được tiêm thử nghiệm vắc xin của Công ty Avac, hoàn toàn không bị chết đợt nào, nhưng xung quanh nhiều hộ chăn nuôi tiêm vắc xin của hãng khác (hiện ở Việt Nam mới chỉ có 2 đơn vị bán vắc xin dịch tả lợn châu Phi là Avac và Navetco - PV) thì vẫn chết nhiều.

Để chứng minh, ông đưa phóng viên đi tham quan 1 vòng quanh trại mà không yêu cầu phải thực hiện bất kỳ biện pháp phòng dịch nào, bởi tự tin về chất lượng vắc xin đã tiêm cho đàn lợn.

"Trong thời điểm dịch bùng phát mạnh vừa qua, rất nhiều người đến thăm trại của tôi, với tâm trạng hoang mang, không biết tiêm vắc xin thế nào, bởi nhiều người nói, tiêm cũng chết, không tiêm cũng chết. Có người còn yêu cầu được xem trực tiếp tôi tiêm vắc xin cho lợn rồi mới tin tưởng về tiêm cho nhà mình. Bản thân tôi cũng bị nhiều người đồn đại là tiêm vắc xin vào đã bị chết hết lợn, chỉ khi người ta đến tận nơi chứng kiến, mới ngỡ ngàng trước những tin đồn nhảm" - ông Thể nhớ lại.

Gia súc chết do tiêm vắc xin của Navetco, việc không phải lần đầu

Năm 2022, Navetco tuyên bố đã sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi và đã đủ điều kiện để bán ra thị trường. Tuy nhiên, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi, sau khi tiêm vắc xin, đã xảy ra tình trạng lợn chết hàng loạt với tổng số 743 con, cụ thể, tại Bình Định chết 282 con, Phú Yên chết 431 con và Quảng Ngãi chết 30 con.

Nhận định về nguyên nhân sự cố này, ông Nguyễn Văn Long, khi đó là quyền Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho rằng, Navetco cung ứng vắc xin cho các địa phương nhưng thiếu giám sát sử dụng. Chủ vật nuôi và thú y cơ sở sử dụng sai đối tượng. Cụ thể, đối tượng chỉ định tiêm là lợn 8 - 10 tuần tuổi nhưng bà con, thú y cơ sở đã sử dụng để tiêm tất cả các loại lợn.

Bên cạnh đó, vắc xin được sử dụng trong vùng chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về dịch tễ dẫn đến khả năng khi tiêm vào đàn lợn hoặc có mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc có một số mầm bệnh khác.

Trong sự cố đó, Navetco đã hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn chết ở mức 2 triệu đồng/con đối với lợn nái, lợn đực giống và 1 triệu đồng/con lợn thịt.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này khi thêm các tình tiết mới.

Nhóm PV