Đây có thể xem là một quyết định đột phá, tạo nên những “cánh tay nối dài của cấp ủy” để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…

Xây nhịp cầu nối “ý Đảng, lòng dân”

Là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, Nậm Pồ có 8 thành phần dân tộc; trong đó, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất 69,18%, tiếp đến là dân tộc Thái chiếm 18,50%; dân tộc Dao chiếm 4,15%; dân tộc Kinh chiếm 3,21%...

Trong những năm qua, Huyện ủy Nậm Pồ cùng các cấp các ngành trên địa bàn huyện luôn quan tâm, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác dân vận, vận động quần chúng. Một trong số đó phải kể đến các tổ DVCS - mô hình tuy không còn xa lạ nhưng đang được huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ làm mới lại và triển khai mang tính đột phá và hiệu quả.

Đến thời điểm này, Nậm Pồ là huyện đầu tiên và đến hiện tại đang là duy nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên triển khai mô hình tổ DVCS này.

leftcenterrightdel
 Tổ phó Tổ DVCS bản Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng chuyện trò với người dân bản Ngải Thầu 2. Ảnh: Diệp Chi

Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa chia sẻ: Thời gian qua, việc nắm sâu sát cơ sở được thực hiện chưa thực sự tốt. Toàn huyện chỉ có 121 bản nhưng có nhiều việc nắm tình hình chưa hết. Nhiều cán bộ chưa thực sự gần gũi, sát với dân, chưa tạo được mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với người dân. Chính vì vậy mà chưa nắm bắt được tâm tư, tình cảm của người dân, không biết phát huy tiềm năng lợi thế gì ở các thôn bản. Trong khi lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn khá đông, nhất là đội ngũ giáo viên.

Xuất phát từ thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thảo luận, trao đổi tiến tới thành lập 121 tổ DVCS tại 121 thôn, bản để đưa cán bộ đến gần hơn với nhân dân. Đồng thời, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách các tổ DVCS theo địa bàn được giao phụ trách.

“Mong muốn lớn nhất khi thành lập là các tổ DVCS này sẽ gần gũi với người dân. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu ít nhất mỗi tháng các tổ phải có 2 lần xuống với bà con, gặp gỡ, tiếp xúc được với trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng nhóm đạo, già làng, người có uy tín… Có thể về thăm người dân càng nhiều càng tốt để tạo được sự gần gũi. Thêm một nhiệm vụ nữa không kém phần quan trọng là tìm hiểu đầy đủ, toàn diện các thông tin của các thôn, bản do tổ phụ trách. Sau khi nắm bắt xong, từ tình hình thực tế đó và bám sát vào việc thực hiện nhiệm vụ của huyện, các tổ xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể…” - Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa cho biết thêm.

Giữ ổn định địa bàn biên giới

Trong rất nhiều nhiệm vụ 121 tổ DVCS thực hiện hiệu quả, nổi bật lên trong đó là tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân.

Căn cứ vào tình hình triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện, hướng dẫn của Ban Dân vận Huyện uỷ, các tổ DVCS đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, cấp ủy, chính quyền các xã lựa chọn các nội dung tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, thời điểm, thông qua nhiều hình thức, như: Gặp gỡ người dân trực tiếp tại các hộ gia đình; tập trung tại các cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ; các sự kiện của bản.

Nội dung tuyên truyền chủ yếu về: Công tác giao đất, giao rừng; công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca trên địa bàn huyện; đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư; công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là việc vận động các đối tượng tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19…

leftcenterrightdel
Thành viên Tổ DVCS bản Nà Bủng 3, xã Nà Bủng tuyên truyền về công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh: Diệp Chi 

Chỉ trong 8 tháng đầu năm, các tổ DVCS đã tổ chức được trên 605 buổi tuyên truyền với hơn 36.300 lượt người tham gia. Trong đó, tổ DVCS thuộc các xã Na Cô Sa, Nậm Khăn, Chà Tở, Chà Cang, Chà Nưa, đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuyên truyền 45 buổi, với 2.350 người tham gia về công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với đó, các tổ DVCS đã tham gia tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình; chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Một số tổ DVCS phối hợp với Phòng Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị truyền thông trợ giúp pháp lý tại 6/15 xã trên địa bàn huyện…

Cùng với đó, các tổ DVCS tại 8 xã biên giới làm việc với cấp ủy, chính quyền xã, phối hợp với các đồn biên phòng tuần tra, kiểm soát tình hình di cư tự do, xuất cảnh trái phép, bảo vệ đường biên, mốc giới. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 160 huyện, các tổ DVCS phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương gặp gỡ, thăm hỏi, làm việc với các điểm, nhóm tôn giáo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, tạo sự gần gũi, thân mật. Từ đó đưa ra những định hướng tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động của các điểm nhóm tôn giáo.

Qua gần 1 năm hoạt động, dấu ấn của các tổ DVCS, những cây cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân” trên địa bàn huyện Nậm Pồ càng được thể hiện rõ nét.

Người dân trên địa bàn huyện cơ bản chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật, tranh chấp, không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp, góp phần ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, tạo tâm thế ổn định, vững chắc cho những chặng đường  phát triển tiếp theo ở nơi biên cương Nậm Pồ.

Diệp Chi