Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn về việc nên bổ sung chế độ hỗ trợ cho người dân khi tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc quy định liên quan đến chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng trên là cần thiết, tuy nhiên kinh phí này liên quan đến ngân sách nhà nước.

Cụ thể, khoản 1 Điều 19 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội, già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ việc, đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

Tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định: “Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.

Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Theo Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, thù lao cho hòa giải viên (đối với hòa giải viên trực tiếp tham gia hòa giải) tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.

Tuy nhiên, đối với những người khác tham gia hòa giải (trong đó có cả hòa giải tranh chấp đất đai) thì chưa có cơ chế để hỗ trợ, bồi dưỡng cho các đối tượng.

Cho rằng việc quy định chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho các hộ dân khi tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai là cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị trường hợp Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai có mời hòa giải viên tham gia hòa giải thì áp dụng chế độ của hòa giải viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp./.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)