Theo bà Nguyễn Bạch Tuyết, trên thực tế ngoài phương thức HC hoặc tư pháp, ở nhiều quốc gia trên thế giới, khiếu nại (KN) hành chính (HC) còn có thể được giải quyết thông qua thương lượng giữa các cơ quan Nhà nước và người dân hoặc hòa giải với sự tham gia của bên thứ ba trung gian. Việc giải quyết KNHC theo cách thức này trên thực tế đã mang lại kết quả tốt, giúp giảm thời gian, chi phí của các bên trong KN, khởi kiện (KK) HC thời gian qua.

Tuy nhiên, việc giải quyết KN, KKHC thông qua hòa giải được quy định trong Luật KN 2011, nhưng chỉ mang ý nghĩa “Nhà nước khuyến khích việc hòa giải tranh chấp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó”. Cho đến nay, quy định về một cơ chế hòa giải trong giải quyết KNHC chưa được hình thành. Chính vì vậy, nghiên cứu vấn đề: “Hòa giải trong giải quyết KN, KKHC ở Việt Nam” là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cho ý kiến vào nội dung thuyết minh đề tài, TS. Lê Tiến Đạt, Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Ủy viên Hội đồng cho rằng, vấn đề mà đề tài đưa ra có tính mới và cấp thiết. Đề tài đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản khi xác định được đối tượng, phạm vi nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài đề ra. Tuy nhiên, đề tài cần điều chỉnh một số nội dung.

Ngoài các phương thức hòa giải hiện hành, cần xác định hòa giải trong giải quyết KNHC bản chất chính là một phương thức giải quyết tranh chấp. Do vậy, cần xác định/làm rõ hoạt động hòa giải trong giải quyết KNHC nằm trong giai đoạn nào; bản chất của hòa giải trong giải quyết KNHC; trình tự, thủ tục, phương thức thực hiện giải quyết KNHC (thông qua chủ thể nào).

Ngoài ra, cần phân biệt giữa hòa giải trong giải quyết KNHC với hòa giải tại cơ sở, hòa giải tại UNBND cấp xã, phường và hòa giải tại Tòa án.

TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Ủy viên Thư ký Hội đồng cho rằng, đề tài cần làm rõ hai phương thức: Đối tượng hòa giải trong giải quyết KN, KKHC và đối tượng trong tổ chức đối thoại trong giải quyết KNHC để làm rõ và phân biệt sự khác biệt giữa hai phương thức này.

Về tên đề tài, TS. Hùng cho rằng, tên đề tài cần giữ nguyên như thuyết minh đề tài đưa ra. Về phạm vi nghiên cứu, cần tiếp cận nghiên cứu Luật KN năm 2011 và Luật Tố tụng (TT) HC năm 2015 đến nay.

Về các nội dung nghiên cứu, Chương 1, Đề tài cần bổ sung một số khái niệm cơ bản (khái niệm về hòa giải, KNHC…); đặc trưng của hòa giải trong giải quyết KN,KKHC; vai trò của hòa giải trong giải quyết KN,KKHC. Ở Chương 2: Đánh giá về thực trạng quy định pháp luật về hòa giải trong giải quyết KN,KKHC; quy định của pháp luật về khởi kiện HC; đánh giá quy định của Luật KN 2011 và Luật TTHC 2015. Tại Chương 3, đưa ra giải pháp về hoàn thiện pháp luật về Luật KN 2011 và Luật TTHC 2015; giải pháp hòa giải trong giải quyết KN,KKHC và TTHC; giải pháp tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở các ý kiến của Hội đồng và các đại biểu tham dự buổi phê duyệt, TS. Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, để hoàn thiện đề tài cần điều chỉnh một số nội dung: Mục tiêu nghiên cứu, cần điều chỉnh lại cho phù hợp; đối tượng nghiên cứu, cần bổ cụm từ: Những vấn đề lý luận, pháp luật thực tiễn về hòa giải trong giải quyết KNHC tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần bổ sung nội dung về tổng quan nghiên cứu và các công trình nghiên cứu liên quan.

Mặt khác, về nội dung nghiên cứu cần tiếp cận nội dung về hòa giải trong KN, hòa giải trong TTHC, hòa giải trong xã hội. Chương 2, nêu thực trạng về hòa giải trong giải quyết KNHC, trong TTHC; thực tiễn hòa giải trong giải quyết KNHC. Ở Chương 3, bổ sung các trình tự pháp lý trong hòa giải trong giải quyết KNHC, trong giải quyết TTHC, trong xã hội. Các giải pháp sẽ bao gồm: Giải pháp về hoàn thiện pháp luật về Luật KN 2011 và Luật TTHC 2015; giải pháp hòa giải trong giải quyết KN,KKHC, TTHC và giải pháp tổ chức thực hiện.

Với những kết quả đạt được, thuyết minh đề tài được Hội đồng nhất trí thông qua phê duyệt. Hội đồng đề nghị Chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa nội dung nghiên cứu theo góp ý của Hội đồng tại cuộc họp nhằm hoàn thiện nội dung đề tài.

 

Thái Hải