Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

126 dự án bị thu hồi do không đưa đất vào sử dụng

Hương Giang

Thứ hai, 16/10/2023 - 12:30

(Thanh tra) - 22 dự án bị chấm dứt hoạt động; 126 dự án bị thu hồi do không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, theo báo cáo của Chính phủ.

126 dự án bị thu hồi do không đưa đất vào sử dụng. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có lĩnh vực đầu tư xây dựng, đầu tư công.

Đang rà soát 12 dự án điện, than, dầu khí chậm tiến độ

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến dự án không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc, để đất đai hoang hóa, lãng phí, Bộ trưởng Tài chính cho hay, hiện đang triển khai 2 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 3 dự án; chấm dứt hoạt động 2 dự án; xem xét giao đất 1 dự án; còn lại đang thực hiện rà soát, xử lý theo quy định.

Trong số này, 2 dự án chấm dứt hoạt động là ở tỉnh Kiên Giang: Dự án Bệnh viện Sinh thái 500 giường của Công ty Cổ phần Vạn Khang Phú Quốc và Dự án Trung tâm hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đề cập đến 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, theo ông Hồ Đức Phớc, sau rà soát, đã chấm dứt hoạt động 22 dự án; quyết định thu hồi đất 126 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 93 dự án; rà soát để thu hồi đất 25 dự án; điều chỉnh 10 dự án; đưa vào hoạt động 41 dự án. Còn lại, các tỉnh đang rà soát, xử lý theo quy định.

Với 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, đến nay, có 8 dự án đã khắc phục tồn tại và đưa vào hoạt động; 1 dự án đã thu hồi, thanh lý tài sản; 1 dự án được gia hạn tiến độ thực hiện; 4 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư; 2 dự án đơn vị thực hiện bàn giao cho đơn vị khác quản lý, sử dụng.

Các dự án còn lại đang rà soát, xử lý theo quy định. Trong số này, Lào Cai, Điện Biên, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi nơi có 1 dự án; Bắc Giang, Lâm Đồng mỗi nơi 2 dự án; Thanh Hoá 3 dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 4 dự án và Bộ Giao thông vận tải 3 dự án đang được xử lý.

Liên quan 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ, Bộ trưởng Tài chính cho biết, mới có 1 dự án triển khai thực hiện; các dự án còn lại đang rà soát, xử lý theo quy định, trong đó có các nhà máy nhiệt điện: Ô Môn I; II; III; IV…

Xử nghiêm người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, thời gian tới, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại; xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, tránh thất thoát, lãng phí.

Để xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ quán triệt chú trọng thanh tra lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức thanh tra chuyên đề hoặc thanh tra thường xuyên các nội dung liên quan theo đề nghị của đoàn giám sát của Quốc hội trong kế hoạch năm 2023 và năm 2024.

“Tinh thần quyết liệt, sai đến đâu kiến nghị xử lý tới đó, áp dụng kịp thời các biện pháp theo thẩm quyền nhằm phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thu hồi tiền, tài sản Nhà nước do các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị gây ra”, theo báo cáo của Chính phủ.

Báo cáo sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thanh tra đã triển khai trên 4.200 cuộc thanh tra hành chính và trên 94.700 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (đã lồng ghép nội dung thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí); phát hiện vi phạm về kinh tế 179.000 tỷ đồng, 404ha đất.

Ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi trên 148.000 tỷ đồng và 9ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng, 395ha đất…

Đáng chú ý, ngành Thanh tra đã kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể và 2.912 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 208 vụ, 316 đối tượng.

Đề cập đến giải pháp thời gian tới, Chính phủ cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. “Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí”.

Ngành Thanh tra sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 và các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất được giao; đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra. Cùng với đó, sẽ xây dựng trình Thủ tướng về định hướng, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra năm 2024 có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng hoạt động thanh tra trách nhiệm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm