Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 21/06/2013 - 15:43
(Thanh tra) - Đến thời điểm này, hai đơn vị của Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đều đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) cho rằng, các dự án (DA) trồng cao su tại Lào, Campuchia vi phạm các vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường sống và pháp luật.
Tổng Giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận cho biết, các DA đầu tư trồng cao su của VRG tại Campuchia và Lào đều nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây công nghiệp đã được Chính phủ Lào và Campuchia phê duyệt
Hợp quy hoạch, đúng quy định
Trao đổi với báo chí chiều 13/6/2013, Tổng Giám đốc VRG Trần Ngọc Thuận cho biết: Các DA đầu tư trồng cao su của VRG tại Campuchia và Lào đều nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây công nghiệp đã được Chính phủ Lào và Campuchia phê duyệt. Tính đến tháng 6/2013, VRG có 21 DA với trên 70.000 ha trồng cao su được triển khai tại Campuchia. Tại Lào có 8 dự án và diện tích trồng đạt 27.096 ha. Quy trình cấp đất tô nhượng được thực hiện rất chặt chẽ, qua nhiều khâu như khảo sát, đánh giá của các Bộ và Hội đồng cấp đất tô nhượng của Chính phủ hai nước. Khi thực hiện cấp đất tô nhượng, các đoàn công tác liên ngành của Chính phủ nước sở tại sẽ xuống làm việc với chính quyền tỉnh, huyện, xã, trực tiếp lắng nghe và giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân. Diện tích thuộc các khu vực như công viên rừng quốc gia, khu bảo tồn, rừng dày và rừng bán dày, các diện tích rừng ven sông suối, diện tích rừng cộng đồng, đất canh tác của người dân đều được loại bỏ ra khỏi diện tích đất tô nhượng.
Trong quá trình thực hiện DA, VRG luôn đảm bảo nguyên tắc đầu tư trên cơ sở phát triển bền vững và có trách nhiệm tại các nước tiếp nhận đầu tư theo đúng tinh thần văn kiện hợp tác giữa Chính phủ nước ta và Chính phủ các nước Lào, Campuchia, theo quy định của luật pháp nước sở tại và luôn đảm bảo, tôn trọng các lợi ích của người dân trong vùng DA. Thời gian qua, VRG đã tuyển dụng hơn 20.000 lao động địa phương làm việc dài hạn ở các dự án tại Campuchia, còn tại Lào là hơn 10.000 lao động. Tính chung, lao động tại chỗ làm việc cho các DA của VRG ở hai nước này chiếm tỷ lệ từ 95 - 97% (luật pháp của hai nước quy định lao động nước ngoài tại các DA đầu tư nước ngoài không vượt quá 10%).
Bên cạnh đó, VRG còn đầu tư hơn 3.000 căn nhà cho công nhân địa phương ở Campuchia và ở Lào là hơn 750 căn cùng rất nhiều các công trình điện, nước, trạm xá, trường học và hàng trăm km đường giao thông... Ở những nơi có DA của VRG, đời sống kinh tế xã hội của người dân đã phát triển hơn nhiều lần so với trước khi có DA. Sau khi Global Witness cho rằng, VRG vi phạm các vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường sống và pháp luật nước sở tại, đại diện VRG đã có buổi làm việc với Trưởng Đại diện Global Witness. Qua trao đổi và xem xét các tài liệu, dẫn chứng cụ thể, đại diện Global Witness đã hứa sẽ cùng đi thăm các DA của VRG tại Việt Nam, tiếp đến là các DA tại Lào, Campuchia, để có căn cứ chính xác, đánh giá khách quan.
Cáo buộc sai sự thật
Trước đó, chiều 17/5/2013, trong cuộc trao đổi thông tin về các hoạt động đầu tư tại Lào và Campuchia, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Đoàn Nguyên Đức khẳng định: Tất cả các cáo buộc của Global Witness về việc HAGL phá rừng, chiếm đoạt đất tại Lào và Campuchia là hoàn toàn sai sự thật. HAGL luôn tuân thủ theo đúng luật pháp nước sở tại. HAGL chỉ nhận những phần đất được chính phủ các nước cho phép đầu tư theo đúng quy định pháp luật của từng nước, không có chuyện vào các nước này để chiếm đất trồng cao su. Tại Campuchia, 4 công ty của HAGL chỉ đầu tư trồng chưa tới 40.000 ha cao su, theo đúng quy định của luật pháp nước sở tại là một công ty chỉ sở hữu không quá 10.000 ha. Việc cáo buộc HAGL khai thác gỗ trái phép là không chính xác, HAGL không hề tham gia việc đấu giá cũng như khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của mình tại Lào và Campuchia.
Để đảm bảo tính xác thực, phía HAGL đã mời tổ chức Global Witness cùng các cơ quan thông tấn quốc tế đến khảo sát tại những khu vực mà Global Witness cho rằng HAGL khai thác gỗ trái phép, chiếm đoạt đất đai, để chứng minh. Tuy nhiên, trong thư phúc đáp của mình, tổ chức Global Witness không chấp nhận đến các khu vực trên, mà chỉ gặp riêng với lãnh đạo HAGL tại Việt Nam. Vì Global Witness là tổ chức phi chính phủ, nên HAGL sẽ không khởi kiện tổ chức này để đòi bồi thường thiệt hại do cáo buộc sai sự thật trên gây ra. Nhưng để phát triển bền vững, tránh những cáo buộc vô lý như của tổ chức Global Witness, trong thời gian tới, HAGL sẽ mời các tổ chức độc lập lớn của thế giới vào đánh giá tác động môi trường, xã hội toàn bộ hệ thống đầu tư, môi trường của HAGL tại Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời đề nghị các tổ chức xác nhận để được cấp chứng chỉ bảo vệ rừng FSC của Hội đồng quản trị rừng thế giới.
Bắt đầu trồng cao su tại Lào và Campuchia từ năm 2008, hiện nay, diện tích cao su mà HAGL đã trồng tại Lào là 27.000 ha, Campuchia là 13.800 ha, ở Việt Nam là 6.800 ha. Trong thời gian tới, HAGL sẽ tiếp tục đầu tư tại khu vực 3 nước Đông Dương khoảng 30.000 ha. Từ khi đầu tư tại Lào và Campuchia, HAGL đã chi trên 30 triệu USD làm công tác từ thiện như xây dựng các cây cầu nối liền các bản, xây dựng hàng trăm km đường cấp phối và hệ thống đường dây điện, xây bệnh viện 200 giường cùng nhiều trường học… Hiện nay, phần lớn lao động làm việc trong các nông trường cao su của HAGL tại Lào và Campuchia là lao động địa phương. Vì vậy, đời sống nhân dân tại các khu vực này được cải thiện đáng kể. Trong đó, tỉnh Attapeu (Lào), nơi có diện tích trồng cao su lớn của HAGL với khoảng 25.000 ha, là tỉnh được hỗ trợ nhiều nhất. Tại tỉnh này, thu nhập bình quân đầu người 5 năm trước chỉ khoảng 300 - 400 USD, hiện tại đã lên trên 1.200 USD/người/năm. Trong những năm qua, Attapeu cũng là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất của Lào.
Ngọc Giang – Tấn Lộc
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.
Thái Hải
19:48 13/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hoàng Nam
21:03 10/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh