Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vi phạm môi trường: Xử lý hình sự rất ít

Thứ ba, 16/12/2014 - 16:51

(Thanh tra) - Tại Hội thảo “Tội phạm môi trường: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam” ngày 16/12, các chuyên gia cho rằng, cần phải thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhằm xử lý về mặt hình sự các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay...

Ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Ảnh: Thảo Nguyên

Hiến pháp năm 2013 quy định quyền được sống trong môi trường trong lành là một trong những quyền cơ bản của con người. Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng tìm cách cụ thể hóa quyền cơ bản này vào từng quy định quản lý Nhà nước về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong vấn đề môi trường. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chống các hành vi gây tác động xấu đến môi trường thông qua các chế tài pháp lý.

Nhưng thực tế hiện nay, các vụ việc vi phạm về bảo vệ môi trường được phát hiện tăng nhanh về số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng, tính chất phức tạp của hành vi vi phạm. Tuy nhiên, phần lớn mới xử lý hành chính, các vụ việc bị xử lý hình sự chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. 

Chính việc xử lý các hành vi vi phạm môi trường một cách “nhẹ nhàng” khiến cho việc tàn phá môi trường diễn ra nhiều hơn, phức tạp và thái độ của người vi phạm vẫn “coi thường” các quy định của pháp luật.

Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, nếu không có sự nhận thức đúng đắn về loại tội phạm môi trường thì việc xây dựng các hình thức chế tài, phạm vi và khả năng phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm sẽ trở nên khó khăn. Cho nên, cần thiết phải luật hóa khái niệm tội phạm môi trường một cách hợp lý, khoa học, chính xác, sát thực tế.

Cùng với đó, để xử lý nghiêm tội phạm về môi trường điều quan trọng phải thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nhằm xử lý về mặt hình sự các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Việc xử lý nghiêm về mặt hình sự là cách để nghiêm trị các hành vi phá hoại môi trường như buôn bán động vật hoang dã bị cấm, phá rừng, thải chất thải độc hại.

Mặt khác, trong khi chờ sửa đổi Bộ Luật hình sự thì nhiều ý kiến cho rằng cần có hướng dẫn ngay đối với các dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Việc tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, kết hợp với điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng được cho là một biện pháp mạnh để giảm thiểu các vi phạm này.

Các tội phạm về môi trường được xếp vào chương 17 của Bộ luật Hình sự với 11 tội danh theo sửa đổi năm 2009 thay vì 10 tội danh như trong Bộ luật Hình sự năm 1999. Nhưng mới chỉ có một vài tội trong số đó đã từng bị truy cứu và xét xử như: Tội hủy hoại rừng (Điều 189) và Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Điều 190).

Trong khi đó, một số hành vi tương ứng với các tội khác như tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182), tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 185)… đã được đề nghị xử lý hình sự, song vẫn chưa được thực hiện.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm