Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ I: Vàng tặc công khai phá rừng

Thứ sáu, 19/12/2014 - 07:00

(Thanh tra)- Cứ vào mùa mưa lũ, tình trạng sập hầm gây chết người là chuyện bình thường xảy ra tại các bãi vàng có phép và trái phép ở các huyện vùng núi Quảng Nam. Song, có không ít chủ bãi tận dụng mọi cơ hội và thời gian để tổ chức khai thác vàng sa khoáng, bất chấp hiểm nguy đang rập rình trên đầu và sẵn sàng tước đi tính mạng của người lao động vào bất cứ lúc nào…

Vàng tặc công khai hoạt động ở huyện Nam Giang. Ảnh: Nguyên Phê

Về huyện miền núi Nam Giang sẽ dễ dàng chứng kiến dọc theo con sông Cái đoạn từ thôn Pà Lanh đến giáp thị trấn Thạnh Mỹ, đã có gần 10ha đất bị vàng tặc cày ủi nham nhở, tạo ra những hố sâu thẳm. Nước dưới sông Cái đục ngầu, do đất sạt lở hai bên bờ khá nhiều chỗ và cuốn phăng tất cả về miền xuôi. Đáng nói là, điểm làm vàng trái phép này chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng 200m, nhưng bọn vàng tặc công khai dùng xe múc đào khoét dọc bờ sông, dùng máy móc đưa đất đá vào máng, bồn để tuyển vàng, như là chốn không người.

Từ km 02 đến km 05 (đoạn sông Thanh chảy qua Xã Tà Phing), cũng chẳng khác gì bãi chiến trường. Lòng sông và hai bên bờ ngổn ngang sỏi đá bị cày xới lên, dòng nước bị đổi dòng tràn lên ruộng khiến không cây cối nào sống nổi. “Tháng 7/2014, có một người tên Năm ở miền Bắc vào khai thác vàng. Nghe đâu được cán bộ thôn cho phép, còn dân không biết gì và cũng chẳng nhận được tiền đền bù đất đai. Dân chúng tôi khiếu nại thì họ bảo đã nộp tiền cho thôn rồi”, già làng Tà Ngôn Aping (Tà Phing) ngao ngán nói.

Tại khu vực rừng núi thuộc xã Đắc Pring gần đây đã trở thành “lãnh địa” của vàng tặc. Bất kể ngày lẫn đêm, các chủ bãi đã cho phu vàng đào múc, khoét sâu vào những cánh rừng đại thụ để tìm vàng sa khoáng. Vị trí này nằm không xa một đồn biên phòng, nhưng chẳng thấy truy quét, đẩy đuổi bọn vàng tặc. Vậy nên, chỉ trong thời gian ngắn mà những cánh rừng thuộc các xã Đắc Pring và Đắc Pre (nằm trong phạm vi của Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh - KBTTNST) thuộc địa bàn huyện Nam Giang đã bị phá tan tành.

Các tuyến đường lên Khe Cọp, Khe Lên, Khe Chớp (xã Đắc Pring) bị băm nát do các phương tiện vận chuyển thiết bị, lương thực của các nhóm khai thác vàng trái phép. Để vào tận bãi vàng, họ sử dụng xe cơ giới san ủi đồi núi, mở gần chục km đường giữa rừng. Dọc theo nhiều con suối khác thuộc địa phận Đắc Pring, có nhiều lán trại làm vàng mọc lên. Hiện trường của khu rừng rộng 3 ha này, chỉ còn lại các giàn máy xúc, đào đãi vàng và nhiều thùng phuy chứa dầu diesel… còn chủ bãi và công nhân chạy toán loạn khi nghe tin truy quét.

Ban Quản lý KBTTNST phối hợp với Hạt Kiểm lâm Nam Giang tổ chức hàng chục đợt truy quét, đập phá nhiều máy xúc, máy nổ, tháo dỡ và đốt phá nhiều lán trại khai thác vàng trái phép. Song, cứ trước đợt truy quét là chủ bãi biết tin nên tổ chức đưa lực lượng ẩn dật trong rừng sâu, sau lần truy quét thì vàng tặc vẫn quay trở lại để hoành hành…

Ngược lên huyện Phước Sơn, chúng tôi về Phước Hiệp và được biết thông tin trên địa bàn xã có đến 5 doanh nghiệp khai thác vàng, nhưng hiện chỉ có Cty Nam Mai là còn thời hạn cấp phép, còn các Cty Ngọc Linh, SSG, Hà Thắng… đều đã hết phép từ lâu, nhưng tại các bãi vàng này vẫn xảy ra tình trạng khai thác công khai và nhiều nơi sử dụng vật liệu nổ để phá đá, đào hầm.

Nhìn nguồn nước sông Bung đổi màu do đất đá sạt lở và hóa chất độc hại tuôn xuống con sông Nước Mỹ (đoạn xã Cà Dy, Nam Giang) và thôn Lao Du (xã Phước Xuân, Phước Sơn), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chí Sâm ngậm ngùi: “Lúc trước, nước con sông dồi dào là nguồn sống cho đồng bào đánh bắt thủy sản, nay cá tăm hơi hết rồi. Nước sông cạn còn giúp lâm tặc mở đường vào triệt hạ rừng và phu vàng đổ về không thể kiểm soát nổi…”.

KBTTNST nằm trên địa bàn hai huyện Phước Sơn và Nam Giang, bao gồm diện tích 93.249ha rừng vùng lõi và 108.398ha vùng đệm. Để vào đây nếu đi từ hướng Phước Sơn, chỉ độc đạo một con đường từ thôn 4 (xã Phước Đức) đi vào. Đầu đường, một barie chắn ngang do lực lượng liên ngành của huyện quản lý và bất kể phương tiện xe cơ giới vào, phải được sự đồng ý của trạm này. Vậy nhưng, nhiều phương tiện, thiết bị của bọn vàng tặc như “quả núi chui lọt lỗ kim” đã vào tận vùng lõi của khu để khai thác vàng trái phép, dù đã được chia thành hai khu bảo vệ nghiêm ngặt với nhiều lực lượng chức năng túc trực, tuần tra bảo vệ. Những cánh rừng già rậm rạp, xanh ngút ngàn đã bị đốn ngã và đào bới tan hoang. Vàng tặc lại có dịp cấu kết với lâm tặc đưa máy cưa những cây gỗ to vận chuyển ra ngoài tiêu thụ…

Được biết, tại khu vực này từ năm 2012 đến nay, các chủ bãi khai thác vàng trái phép tàn phá KBTTNST nghiêm trọng. Nhiều lần, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành truy quét, nhưng “đâu lại vào đấy”.

Trong chuyến hành trình vào KBTST, chúng tôi mới cảm nhận đây là con đường mở ra chỉ phục vụ cho việc khai thác lâm, khoáng sản trái phép nên rất khó đi. Con đường được mở xuyên KBTTNST dài hàng chục km, hiện những bánh xe cơ giới còn in hằn trên mặt đường lầy lội, với những cây cổ thụ lớn bị cày ủi bật gốc nằm ngổn ngang hai bên đường, nhưng trước hậu quả nghiêm trọng này các ngành chức năng vẫn bó tay?

Kỳ II: Nhà nước thất thu, người dân vẫn nghèo khổ

Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm