Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải pháp nào ngăn tình trạng ngập úng?

Công Nhật - Thu Huyền

Thứ ba, 05/04/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Nhiều năm qua, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phải đối mặt với tình trạng ngập lụt nặng. Các tuyến đường quan trọng bị nhấn chìm sau mỗi trận mưa lớn khiến giao thông ùn tắc, nhiều hoạt động bị ngưng trệ, cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị cản trở. Một số giải pháp đã được đưa ra, song chưa có “thuốc đặc trị” cho tình trạng này.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại TP Biên Hoà ngập nặng. Ảnh: CN

Ngập úng kéo dài

Các phường thuộc khu vực phía Nam của TP Biên Hoà như: Phước Tân, An Hoà, Long Bình Tân, Long Bình… là những nơi rất dễ bị ngập, đặc biệt là trong mùa mưa. Có hơn 20 điểm thường xuyên bị ngập úng sau những trận mưa lớn.

Tại một số tuyến đường như Đồng Khởi, vòng xoay cổng 11 (quốc lộ 51), đường Nguyễn Ái Quốc, đường Phạm Văn Thuận, đường Bùi Văn Hoà… chỉ vài trận mưa đầu mùa, tuy lượng mưa không quá lớn, nhưng cũng khiến nhiều khu vực, nhiều tuyến đường trên địa bàn ngập sâu. Ngập lụt khiến giao thông ùn tắc kéo dài, nhiều phương tiện chết máy, hư hỏng. Nhiều người dân để tránh xe bị chết máy buộc phải di chuyển xe trên vỉa hè, dải phân cách mới qua được những chỗ ngập úng.

Đối với những nơi trũng thấp, hệ thống thoát nước bố trí không phù hợp, phải mất nhiều giờ lượng nước bị ứ đọng mới có thể thông thoát hoàn toàn, các phương tiện tham gia giao thông mới có thể đi lại bình thường.

Ông Trần Xuân Nghinh (trú tại 90/35A, đường Đồng Khởi, phường Tân Phong, TP Biên Hoà) là người đã sinh sống nhiều năm ở địa phương này cho biết, tình trạng ngập lụt diễn ra thường xuyên, bà con đi lại rất nguy hiểm, thậm chí nhiều người còn té ngã. Nước tràn vào nhà khiến nhiều đồ đạc tài sản bị hư hỏng, bùn đất theo dòng nước trôi vào nhà.

Cầu Đồng Khởi, một trong những “điểm nóng” thường xuyên xảy ra ngập lụt. Ảnh: CN

Nhiều năm qua, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục và giải quyết một cách triệt để, nhiều người dân sống trên các tuyến đường này dù đã tìm đủ mọi cách nhưng vẫn phải chấp nhận sống chung với tình cảnh nước tràn vào nhà sau mỗi trận mưa lớn.

Cần những giải pháp hữu hiệu

Trước tình hình ngập úng thường xuyên, cơ quan chức năng cùng nhiều chuyên gia đã nêu ra hàng loạt nguyên nhân như hệ thống thoát nước chưa được đồng bộ, tốc độ đô thị hoá nhanh khiến khả năng thẩm thấu của nước mưa giảm, cư dân san lấp lấn chiếm thu hẹp dòng chảy của các sông suối, kênh rạch; kèm theo đó là sự vô ý thức của người dân xả rác bừa bãi làm tắc nghẽn các đường ống, bịt kín các chỗ thoát nước…

Một số công trình, dự án nhằm ngăn chặn tình trạng ngập lụt đã được đầu tư tại TP Biên Hòa trong thời gian gần đây như dự án nâng cấp, cải tạo cống ngang đường Bùi Văn Hòa (đoạn gần vòng xoay cổng 11); dự án nạo vét suối Cầu Quan (phường Phước Tân) được đầu tư từ Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh Đồng Nai.

TP Biên Hoà đã đầu tư nhiều tiền của và công sức nhằm khắc phục tình trạng này như nâng cấp hệ thống thoát nước, nạo vét khơi thông hệ thống kênh rạch, góp phần thoát nước dễ dàng. Đáng nói là, tình trạng ngập lụt đang có xu hướng ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn.

Nhiều giải pháp từ các ban, ngành của TP Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai đã được đưa ra, tuy nhiên việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng ngập lụt không thể thực hiện trong một sớm một chiều, cần đề ra nhiều giải pháp bao gồm cả những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Từ đó quyết định lộ trình phù hợp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên.

Giao thông bị ùn tắc do nhiều tuyến đường ngập sâu. Ảnh: CN

Trong đó, giải pháp ngắn hạn là kiểm tra, cải tạo, bảo trì thường xuyên các công trình chống ngập đã được xây dựng lâu năm; cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công những dự án có những hạng mục liên quan đến hệ thống cấp thoát nước, tiến hành xử lý những địa điểm khu vực ngập úng quy mô nhỏ; tiến hành nạo vét bùn, rác thải tại các kênh mương, cống rãnh, khai thông dòng chảy tránh tình trạng tắc nghẽn tại các cửa xả; tập trung đầu tư xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thải; cắt cử lực lượng hướng dẫn điều phối phân luồng giao thông tại các tuyến đường thường xảy ra ngập úng, giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra…

Về dài hạn, khi quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư mới cần phân bổ hợp lý, tránh tập trung quá đông dân cư sinh sống gây quá tải về cơ sở hạ tầng, các kiến trúc xây dựng ngoài cần phù hợp với quy hoạch của đô thị thì còn cần phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; tập trung và huy động nguồn vốn (cả trong lẫn ngoài nước) cần thiết để quy hoạch xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước của toàn TP, thiết kế lắp đặt phù hợp các đường ống thoát nước mưa và các đường ống nước thải; cần sự phối hợp bắt tay giữa các cấp, ban ngành, chính quyền địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện những chỉ đạo đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh vận động, giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân không xả rác bừa bãi tại các cống rãnh, dòng suối làm tắc nghẽn dòng chảy, góp phần xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp cũng cần được chú trọng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm