Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 04/12/2018 - 06:31
(Thanh tra)- Tháng 10/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thông báo chủ trương thống nhất di dời Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp tại Cụm Công nghiệp (CCN) Thương Tín, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang vào tháng 2/2019. Sau đó, có nhiều ý kiến khác nhau từ các cơ quan chức năng và các địa phương về vấn đề này, trong đó việc đánh giá tác động môi trường khi xây dựng và đưa nhà máy được quan tâm đặc biệt…
Nhà máy Thép Việt - Pháp hiện đóng tại Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Phó
Nhà máy Thép Việt - Pháp được xây dựng tại CCN Thương Tín 1 đi vào sản xuất từ năm 2012. Chỉ sau thời gian ngắn, vì không chịu nổi ô nhiễm môi trường do khói bụi và tiếng ồn phát tán ra bên ngoài, người dân sinh sống trong khu dân cư xung quanh đã phản ứng bằng cách dựng lều, rào trước cổng nhà máy không cho xe tải chở nguyên liệu vào để luyện phôi thép.
Chính quyền từ thị xã Điện Bàn đến tỉnh Quảng Nam cũng đã nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với người dân; nhiều cuộc họp, làm việc từ tỉnh đến bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, nhưng không đạt kết quả gì; nay mới quyết định việc di dời nhà máy thép lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang.
Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Nam Giang cho biết, thực ra chủ trương đưa Nhà máy Thép Việt - Pháp ra khỏi khu dân cư ở phường Điện Nam Đông đã có từ năm 2016, khi áp lực về vấn đề môi trường nhà máy này gây ra đối với người dân sống quanh khu vực trên, thể hiện tại Thông báo số 420, ngày 23/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam, chấp nhận cho phép Cty TNHH Thép Việt - Pháp lập Dự án (DA) xây dựng nhà máy luyện cán thép trên diện tích rộng hơn 17ha với vốn đầu từ gần 1.000 tỷ đồng tại thôn Hoa, Thạnh Mỹ, thuộc CCN Nam Giang.
Thông báo 420 nêu rõ: Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng DA nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... Tổ chức công bố địa điểm theo quy định để các tổ chức, cá nhân liên quan biết, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện. Chủ đầu tư lập hồ sơ quy hoạch chi tiết DA báo cáo UBND huyện Nam Giang thông qua trước khi gửi Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, CCN Nam Giang mặc dù đã có kế hoạch quy hoạch trên diện tích 37ha tại khu vực thôn Hoa, thuộc Km 4, Quốc lộ 14B, nhưng việc giải phóng mặt bằng không thực hiện được, do ảnh hưởng vấn đề di dời nhà ở, tài sản và bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng… mà địa phương không tìm được nguồn kinh phí.
Sang năm 2017, UBND tỉnh có chủ trương xem xét lạivị trí đặt Nhà máy Thép Việt - Pháp, dự kiến sẽ chuyển đến khu vực gần Nhà máy Xi măng Quang Thành, trên diện tích 9ha, cũng thuộc địa bàn thôn Hoa, Thạnh Mỹ. Cũng vào thời điểm đó, dù tỉnh chỉ mới đồng ý chủ trương di dời nhà máy thép lên thôn Hoa, nhưng đã có nhiều ý kiến lo ngại về hoạt động của nhà máy sẽ có những tác động xấu đến môi trường xung quanh khu vực.
Nỗi lo lớn nhất là vấn đề xả nước thải của nhà máy sẽ làm ô nhiễm hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của các địa phương vùng đồng bằng Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Địa điểm sẽ di dời Nhà máy Thép Việt - Pháp đến tại khu vực thôn Hoa, Thạnh Mỹ, Nam Giang. Ảnh: Ngọc Phó
UBND huyện Nam Giang đã tổ chức đoàn công tác xuống thực địa thăm quan quy trình sản xuất của Nhà máy Thép Việt - Pháp. Theo lãnh đạo nhà máy, việc sản xuất thép không dùng quặng, mà chỉ dùng thép phế liệu để tái chế, nên chỉ dùng nước để làm nguội thép từ lò luyện thép, số lượng nước xả thải là không đáng kể.
Chủ trương di dời Nhà máy thép Việt - Pháp đến tại thôn Hoa, Nam Giang, được dư luận và người dân Quảng Nam và cả Đà Nẵng rất quan tâm. Theo lãnh đạo Sở TM&MT Quảng Nam, Sở đã giao Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh tham mưu và theo dõi. Khi nhà máy thép chuyển đến vị trí mới sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Công Bình cho biết thêm, ngay từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện cùng ngành chức năng đã nhiều lần tổ chức họp nhân dân tại các thôn Hoa, thôn Đồng Râm lân cận. Qua lấy ý kiến, người dân đều đồng tình ủng hộ với các chủ trương về vấn đề di dời nhà máy thép đến địa điểm trên. Song, yêu cầu nhà máy phải cam kết đảm bảo không tác động xấu đến môi trường tại khu vực như: Không gây khói bụi ảnh hưởng đến khu dân cư, không xả thải gây ô nhiễm nguồn nước…
Sau khi Quảng Nam thỏa thuận địa điểm để lập DA đầu tư xây dựng Nhà máy Thép Việt - Pháp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Nam bày tỏ “quan ngại” về việc Nhà máy Thép Việt - Pháp đặt tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang - là nơi đầu nguồn sông Vu Gia cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn khẳng định: "Trong thời gian qua, nhân dân của Đà Nẵng và Quảng Nam đều lo ngại về DA nhà máy thép đặt ở khu vực đầu nguồn sông Vu Gia. Quan điểm của tỉnh là nếu DA này triển khai tại thôn Hoa, chính quyền cam kết sẽ kiểm soát nghiêm ngặt nguồn nước thải ra ngoài. Nếu người dân, chính quyền huyện Nam Giang có ý kiến không đồng ý, chúng tôi sẽ tìm giải pháp mới... Tỉnh nhất quán quan điểm sẽ không đánh đổi tất cả khi thu hút đầu tư”.
Từ các vấn đề thực tế nêu trên, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng tác động môi trường của nhà máy đối với khu vực và cả phạm vi rộng với các yếu tố ảnh hưởng từ khói bụi, nguồn nước xả… vì nếu để xảy ra những vấn đề phức tạp, thì hệ lụy khôn lường về sau.
Cũng cần nhắc lại rằng, bài học nhãn tiền về 2 Nhà máy Thép Dana - Úc và Dana - Ý đặt tại thôn Vân Dương 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khi quyết định cho đầu tư đã “sai 1 ly đi 1 dặm” do gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, bị người dân phản đối liên tục và kéo dài. Đến bây giờ, chính quyền TP, người dân sở tại và cả doanh nghiệp đều “tiến thoái lưỡng nan”; không biết chọn dân đi hay nhà máy di dời?
Ngọc Phó
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.
Thái Hải
19:48 13/12/2024Thái Hải
21:09 12/12/2024Hải Hà
20:22 11/12/2024Hoàng Nam
21:03 10/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà