Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, gia đình chị Nguyễn Thị Báu, huyện Hoài Ân tranh thủ tái đàn lợn thịt với tổng đàn hơn 150 con. Được chăm sóc với mô hình chăn nuôi khép kín nên đàn lợn đang phát triển mạnh, tăng trọng nhanh, hứa hẹn cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Thị Báu chia sẻ, tháng nào cũng nuôi nhưng dịp Tết nên nuôi nhiều hơn mọi khi. Gia đình không nhập lợn từ bên ngoài vào mà luôn chủ động về nguồn giống, chủ yếu là nuôi lợn con để tăng trọng lên rồi bán. Ngoài ra, còn nuôi thêm 7 con lợn nái để tăng đàn.

Huyện Hoài Ân được xem là “thủ phủ” lợn của tỉnh Bình Định với tổng đàn hơn 250 nghìn con, chiếm 1/3 tổng đàn trong tỉnh. Toàn huyện có 32 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; trong đó, có 5 trang trại áp dụng công nghệ cao khép kín, gần 1.100 trang trại nhỏ và vừa theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, 50 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Túc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho hay, theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, địa phương sẽ phát triển đàn lợn lên 265 nghìn con. Để đạt được mục tiêu đề ra, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng đã chỉ đạo cho các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm việc tiêu độc sát trùng chuồng trại. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc nhập lợn từ các công ty, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn để đảm bảo ngăn ngừa, không để dịch bệnh xảy ra.

Thống kê từ ngành chức năng cho thấy, tổng đàn lợn thịt của tỉnh Bình Định hiện có gần 700 nghìn con, tăng 5%, sản lượng thịt xuất chuồng khoảng 130 nghìn tấn, tăng gần 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định thông tin, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục được khống chế và tiêm phòng vaccine đợt 2/2022 được tổ chức rất tốt ở các địa phương. Qua đó có thể đánh giá, việc quản lý chăn nuôi cũng như kiểm soát tái đàn, nhất là đàn lợn đang được chú trọng và quan tâm thường xuyên nhằm hướng tới phục vụ tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết năm nay.

Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, lợn được xếp vào nhóm 3 vật nuôi chủ lực cùng với bò và gà. Lợn thịt của tỉnh Bình Định ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh còn cung cấp cho thị trường chính như Quảng Nam, Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam.

Lê Phước Vĩnh Trọng