Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng chất EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Do đó, sản phẩm không vi phạm tiêu chuẩn ở Việt Nam.

Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan cũng bị thu hồi sản phẩm ở châu Âu

Điều đáng nói là các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, như các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến, các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, ngũ cốc. Trong đó đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.

Một chuyên gia của Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, cho biết, không chỉ có hàng Việt dễ rơi mà danh sách bị cảnh báo thu hồi mà nhiều hàng hoá đến từ các nước có nền nông nghiệp, công nghiệp chế biến phát triển hơn cũng không ngoại lệ.

“Theo báo cáo của cơ quan chức năng Đức, vào tháng 7/2021, họ phân tích hàm lượng EO trong 25 sản phẩm mì ăn liền có nguồn gốc từ châu Âu (3) Trung Quốc (5), Hàn Quốc (4), Việt Nam (5), Thái Lan (4), Indonesia (3), Đài Loan (1) thì kết quả chỉ Đài Loan và Indonesia là không sản phẩm nào có EO, còn lại Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đều có sản phẩm có EO”, vị này dẫn chứng.

Một chuyên hoá thực phẩm người Việt từng có nhiều năm làm trưởng bộ phận QC (kiểm soát chất lượng) cho một công ty Nhật cho hay, mạng xã hội trong nước đang bàn tán tán thông tin tháng 8 vừa qua Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi sản phẩm mì ăn liền của Acecook. “Đó chỉ là 1 phần sự thật. Thông tin chính xác phải là FSAI thu hồi khẩn cấp 3 lô sản phẩm, gồm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Acecook (Việt Nam), cùng với mì ăn liền Yato Seafood của Trung Quốc. Lí do thu hồi vì đều có hàm lượng EO vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của châu Âu”.

Ông cho biết thêm, trước đó, Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Thực phẩm Đức cũng thông báo thu hồi lô sản phẩm mì ăn liền Ramen Rabokki của Hàn Quốc vì có hàm lượng EO cao.

Cùng thời điểm, hệ thống cảnh báo sớm RASFF của Liên minh châu Âu cũng ra thông báo về 2 sản phẩm mì ăn liền khác cũng của Hàn Quốc.

“Do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, kể cả ở những tập đoàn đa quốc gia có uy tín. Tuy nhiên, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp hàng rào kỹ thuật về TBT (biện pháp TBT), các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (biện pháp SPS) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, Vụ Khoa học Công nghệ khuyến cáo.

Bộ Công Thương nói gì về nghi vấn mì Hảo Hảo chứa chất cấm?
leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: Hoàng Lê
Bên lề cuộc họp báo Chính phủ tối 6/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có trao đổi với báo chí liên quan tới vụ nghi vấn mì Hảo Hảo chứa chất cấm theo cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, yêu cầu Ban Bảo vệ an toàn thực phẩm của TP.HCM kiểm tra quy trình sản xuất và việc tuân thủ các quy định của hai doanh nghiệp này thế nào. Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của các đơn vị này.

Ban Bảo vệ an toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định các doanh nghiệp có liên quan tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với Công ty Acecook Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, hai doanh nghiệp này khẳng định không phải tất cả các sản phẩm sang thị trường Ireland và Na Uy có yêu cầu phải thu hồi, mà chỉ có một số sản phẩm nhất định theo thông báo của nhà chức trách các nước.

Hiện nay, quy định cụ thể về chất EO giữa các quốc gia khác nhau và chưa có thống nhất. Ví dụ, Ireland đánh giá EO là vượt ngưỡng thì ở Việt Nam thành phần này còn kém rất xa, thậm chí cũng kém so với Mỹ. Các doanh nghiệp khẳng định các sản phẩm được sản xuất riêng cho thị trường EU chứ không sản xuất và sử dụng tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương cần thêm thời gian để thu hồi, phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các sản phẩm của hai doanh nghiệp này, để xác định việc tuân thủ quy định là như thế nào, đặc biệt là chất lượng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có đáp ứng được hay không.

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường nào thì phải nghiên cứu kỹ các quy định của thị trường đó. Như thị trường Mỹ, có quy định cao hơn rất nhiều so với những tiêu chuẩn của các thị trường khác mà Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu.

Bởi vậy, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường nào thì phải tuân thủ quy định của thị trường đó, không tuân thủ thì tiêu chuẩn cao hơn hay thấp hơn cũng không thể xuất khẩu được. 

Không có chuyện tiêu chuẩn của Việt Nam kém hơn

Theo Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, thời gian qua, đã có một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt...

Những sản phẩm này có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng. Có thể thấy việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.

Song song với việc thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, Vụ Khoa học Công nghệ khuyến nghị doanh nghiệp kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công/sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro; đồng thời làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy.

Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Vì vậy, trong trường hợp này, Vụ Khoa học Công nghệ cho rằng, mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.

Liên quan đến mì Hảo Hảo, chuyên gia Vũ Thế Thành - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện theo tiêu chuẩn Codex của Uỷ ban Quốc tế, không có giới hạn EO thì đồng nghĩa với việc sản phẩm không vi phạm. Việc này quy định tuỳ từng thị trường. Ví dụ nếu xuất sang Nhật Bản không vi phạm. Mỗi một nước có quy định về an toàn thực phẩm khác nhau. Không thể dùng chuyện khác nhau để nói tiêu chuẩn châu Âu khắt khe hơn, tiêu chuẩn Việt Nam thấp hơn. Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế Codex thì lấy gì mà thấp hơn.

Ghi nhận của chúng tôi, hiện trên thị trường, người dân vẫn tiêu thụ sản phẩm mì Hảo Hảo và các loại mì tôm khác như bình thường. Vì nhiều người dân đã nắm được thông tin về việc sản phẩm mì tôm tại Việt Nam đã được các cơ quan quản lý thẩm định là an toàn.

Minh Anh