Cái tên "Ngô Chí Dũng" có lẽ không tạo ra nhiều ấn tượng với những người tiêu dùng, nhưng với những người trong ngành Dược phẩm, y tế, vị doanh nhân sinh năm 1974 này là một trong những người thành công nhất.

Ông giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của một loạt doanh nghiệp tên tuổi trên thị trường, như Công ty Cổ phần Dược phẩm Eco (Eco Pharma) - doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP (Eco Pharmacy); Bệnh viện Tâm Anh hay Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) - một trong những doanh nghiệp tiêm chủng vaccine có quy mô lớn nhất cả nước.

Trước đó, ông Dũng từng giữ vai trò cũ là Tổng Giám đốc BV Pharma, đơn vị liên quan đến nghi án tiêu cực của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. Vụ việc từng gây bão trên truyền thông và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Với kinh nghiệm, tài lực và các mối quan hệ tích lũy từ ngày làm ở BV Pharma, không khó để giải thích cho sự thành công của vị doanh nhân này với lĩnh vực y tế, dược phẩm.

leftcenterrightdel
 

Eco Pharma là một ví dụ. Doanh nghiệp lõi trong hệ sinh thái của ông Dũng được thành lập đầu năm 2008, tự giới thiệu là nhà nhập khẩu chuyên nghiệp; có mạng lưới phân phối rộng khắp và hệ thống bán lẻ đạt chuẩn. Trên website chính, Eco Pharma cho biết tham vọng trở thành "doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phân phối dược phẩm với chất lượng sản phẩm tốt nhất, dịch vụ uy tín và giá thành hợp lý".

Với thị trường, cái tên Eco Pharma được biết đến nhiều nhất với hoạt động phân phối thực phẩm chức năng, được giới thiệu là "Made in USA", như Sâm Angela Gold; Sâm Alipas platinum; Jex Max; Qik Hair; LIC; Otiv; Hewel; Faz.

leftcenterrightdel
 

Doanh nghiệp này cũng được xem là "máy tin tiền" hàng đầu của vị doanh nhân sinh năm 1974. Trong những năm gần đây, doanh thu của Eco Pharma duy trì ổn định trên ngưỡng nghìn tỷ đồng, và tăng trong ba năm liên tiếp.

Sau khi chạm đáy doanh thu 1.285 tỷ đồng năm 2017, ba năm tiếp theo Eco Pharma duy trì mức doanh thu mỗi năm 1.500-1700 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giữ trên 30% trong 5 năm gần nhất.

Dù vậy, bất chấp hiệu suất kinh doanh ấn tượng, lợi nhuận của Eco Pharma chỉ mang tính tượng trưng. Giai đoạn 2017-2019, lãi ròng của chuỗi nhà thuốc này giảm dần đều từ mức trên 40 tỷ xuống còn hơn 12 tỷ đồng. Riêng năm 2020, mặc dù ghi nhận doanh thu trên 1.600 tỷ, chuỗi này lãi vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Nếu tính biên lợi nhuận ròng, con số thấp đến khó tin.

Tuy nhiên, Eco Pharma không phải cái tên duy nhất trong hệ sinh thái của đại gia Ngô Chí Dũng rơi vào tình trạng "thu thì cao, nhưng lãi thì tượng trưng". Các doanh nghiệp top đầu thị trường trong từng mảng kinh doanh riêng như VNVC hay Bệnh viện Tâm Anh cũng gặp tình trạng tương tự.

VNVC thành lập cuối năm 2016, là đơn vị vận hành và phát triển hệ thống tiêm chủng VNVC trải rộng trên nhiều địa phương. Từ trung tâm tiêm chủng đầu tiên được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2017, hệ thống VNVC đến nay đã được xem là một "thế lực" trong mảng kinh doanh này. Công ty cũng là đơn vị tiêm chủng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh (cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, hệ thống kho lạnh hiện đại, đảm bảo nhiệt độ bảo quản từ 2-8oC. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, VNVC là đơn vị đầu tiên mang 30 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Trong một lĩnh vực đầy tiềm năng, không khó để lý giải kết quả tăng trưởng mạnh của VNVC những năm gần đây.

Doanh nghiệp của ông Ngô Chí Dũng thu về chưa tới 32 tỷ đồng trong năm đầu tiên vận hành trung tâm tiêm chung. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, doanh thu của VNVC đạt trên 2.300 tỷ đồng. Năm 2020, công ty này thu về hơn 3.800 tỷ đồng, là doanh nghiệp có doanh thu cao nhất trong hệ sinh thái dược phẩm, y tế của vị doanh nhân sinh năm 1974.

leftcenterrightdel
 

Dù vậy, cũng như Eco Pharma, lợi nhuận của doanh nghiệp này thực sự thấp đến khó tin.

Dù biên lợi nhuận gộp ổn định ở mức 27%, nhưng hai năm đầu kinh doanh VNVC đều báo lỗ. Hai năm gần nhất, công ty này ghi nhận lợi nhuận dương nhưng chỉ đạt chưa tới 100 tỷ đồng. Biên lãi ròng chỉ loanh quanh ngưỡng 2%.

Không riêng hai công ty hoạt động tốt nhất trong hệ sinh thái của ông Dũng, hai đơn vị phụ trách hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh là Công ty Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Công ty Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cũng có chung một kịch bản.

Như Bệnh viện Tâm Anh, trong bốn năm gần nhất, từ 2017 đến 2020, doanh thu của bệnh viên này tăng vọt từ 160 tỷ lên hơn 745 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trong hai năm gần nhất chỉ quanh ngưỡng 1 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời thấp đến mức khó tin với lĩnh vực y tế tư nhân.

leftcenterrightdel
 

Trong khi đó, nếu xem xét về tỷ suất hoạt động trực tiếp, biên lợi nhuận gộp của Tâm Anh không hề thấp. Tỷ lệ này đạt 19-28% trong bốn năm gần đây, với chỉ tiêu lợi nhuận gộp đều hơn trăm tỷ đồng.

Một điểm chung khác của những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Ngô Chí Dũng là sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao. Hầu hết mức vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 10-15% tổng nguồn vốn hoạt động.

Minh Nhật