Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 66 đơn vị sử dụng DVMTR. Năm 2019, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Kon Tum thu tiền DVMTR của các đơn vị sử dụng DVMTR và thực hiện chi trả cho các chủ rừng với tổng số tiền hơn 255,4 tỷ đồng, đảm bảo cho việc quản lý bảo vệ hơn 387.781 ha rừng cung ứng DVMTR (chiếm khoảng 64,4% tổng diện tích rừng toàn tỉnh). Năm 2020, dự kiến đến hết ngày 31/12/2020 Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Kon Tum thu được khoảng 243,8 tỷ đồng. Các chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn, đã khoán để quản lý, bảo vệ là 172.616,69 ha diện tích rừng cho 2.115 hộ gia đình, cá nhân, 203 nhóm hộ, 319 cộng đồng dân cư thôn và 4 tổ chức.

Từ nguồn tiền chi trả DVMTR đã tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để các chủ rừng yên tâm bảo vệ rừng. Các chủ rừng là tổ chức Nhà nước, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty Lâm nghiệp chủ động về nguồn tài chính hằng năm để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới. Các hộ gia đình, cộng đồng nhận khoán có việc làm ổn định, có nguồn thu đáng kể, từ đó nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.

leftcenterrightdel

Người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mo Rông trình bày kết quả thảo luận của nhóm. Ảnh: HTH

 

Xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà có 5 thôn và 470 hộ nhận quản lý bảo vệ gần 6.500 ha rừng, đây cũng là một trong những địa phương điển hình trong giao rừng cho cộng đồng và đa dạng các nguồn sinh kế từ rừng. Mỗi năm, xã nhận được gần 5 tỷ đồng tiền DVMTR, trong đó: 470 hộ nhận trực tiếp hơn 3,5 tỷ đồng; 5 cộng đồng thôn nhận gần 1,5 tỷ đồng. 30% trong số này đã được các cộng đồng dùng để lập quỹ, cho các hộ trong thôn vay để mở rộng sinh kế.

Chị Lê Thị Loan thôn 3, xã Đăk Pxi cho biết, ưu điểm của quỹ là áp lực trả lãi thấp, mỗi lần vay đều được tập huấn nên các hộ yên tâm đầu tư, gia đình chị không chờ vay được vốn mới mua heo mà đi mua trước. Đến khi vay được vốn thì đám heo rừng lai nhà chị đã được gần 40kg/con, khi đủ trọng lượng chi bán heo sẽ thu hồi vốn và hoàn lại cho thôn.

Theo ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, ngoài nguồn thu từ ruộng, rẫy, tiền DVMTR, mỗi năm các thôn trong xã thu được khoảng 400 tấn măng le tươi, trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng cùng nhiều lâm sản phụ khác. Riêng măng le Đăk Pxi, đang được định hình để trở thành sản phẩm OCOP của xã. Năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của xã là 64,37% thì đến cuối năm 2019 còn 42,5%. Tuy đây là kết quả chưa đạt so với kế hoạch đề ra, song để đạt được kết quả trên là có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn tiền chi trả DVMTR. Từ đó, nền kinh tế của người dân cũng đã từng bước được cải thiện, đa dạng giống cây trồng, vật nuôi.

leftcenterrightdel
 Người dân tham gia thảo luận nhóm. Ảnh: HTH

 Năm 2018, gia đình anh A Tin xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) thu nhập thêm được 20 triệu đồng từ nguồn tiền DVMTR, nhờ vậy mà đời sống kinh tế của gia đình anh được cải thiện rõ rệt. Có tiền, có điều kiện anh khai hoang thêm 1,5 sào ruộng nước, mua phân bón thâm canh lúa, mì, trồng bời lời... tham gia giữ rừng và biết đầu tư mở rộng sản xuất, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo.  

Anh A Nhất (Cộng đồng quản lý bảo vệ rừng thôn 2), xã Đăk Kôi chia sẻ, từ nhiều năm nay, cộng đồng thôn 2 nhận khoán rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Kon Rẫy không để xảy ra mất rừng. Để quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng, cộng đồng thay nhau trực chốt bảo vệ rừng và tuần tra bảo vệ rừng. Giữ được rừng, cộng đồng không chỉ có tiền cải thiện đời sống mà còn bảo vệ nguồn nước sạch; hạn chế lũ lụt, chống xói mòn đất; khai thác lâm sản phụ như măng rừng... Năm 2018, gia đình anh cũng như các hộ khác trong tổ được nhận gần 10 triệu đồng tiền DVMTR/hộ.

Chính sách chi trả DVMTR triển khai từ năm 2012 tại xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) cũng đã mang lại nhiều đổi thay tích cực đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội cho người dân trên địa bàn, góp phần đưa xã Đăk Tơ Lung về đích Nông thôn mới vào đầu tháng 6/2020.

Theo lãnh đạo xã Đăk Tơ Lung, với 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số Sơ Rá, trước đây tập quán canh tác du canh du cư nên bà con còn phá rừng làm nương rẫy. Sau đó, được Nhà nước giao đất giao rừng nên ý thức bà con dần nâng cao. Hiện, mỗi hộ gia đình tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng nhận được trên dưới 10 triệu đồng/năm từ tiền chi trả DVMTR. Bà con đã không còn phụ thuộc vào rừng mà ý thức được rừng là của mình nên tự bảo vệ. Tiền DVMTR nhận được giúp bà con cải thiện đời sống, chăm lo sản xuất, nâng cao thu nhập, con cháu được học hành đầy đủ hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo ở xã Đăk Tơ Lung từ năm 2016 đến đầu năm 2020 đã giảm từ 64,98% xuống còn 13,1%. Đây là một con số đáng để ghi nhận nhờ tác động không nhỏ từ nguồn tiền chi trả DVMTR.

leftcenterrightdel
Báo cáo viên của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn người dân tại Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế tại xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: HTH 

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum cho biết, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR không những từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng số hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn được nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng là tổ chức cũng như người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ rừng tăng cường các biện pháp, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, truy quét các cá nhân, tổ chức, đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Để thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, các đơn vị chủ rừng, cộng đồng dân cư và hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền vận động người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng gắn với việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, đúng quy định.

Như vậy, chính sách chi trả DVMTR triển khai tại Kon Tum không những mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà còn là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là chính sách thiết thực, được người dân đón nhận, ủng hộ, đồng tình và luôn muốn gắn bó lâu dài.

PV