Báo cáo tại diễn đàn, ông John Rockhold - nhóm công tác điện và năng lượng của VBF (PEWG) nêu rõ: PEWG hoan nghênh những kết quả tích cực mà ngành Điện Việt Nam đã đạt được trong năm 2022, có thể kể đến việc sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo và đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao sau thời kỳ dịch bệnh.

Năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02% so với mức tăng chỉ 2,58% vào năm 2021. Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 1997, một kết quả ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu cùng thời điểm có nhiều bất ổn và biến động. Tuy nhiên, những sự kiện và diễn biến trên toàn cầu trong năm qua càng cho thấy nhu cầu cấp bách cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng. Lý do là một hệ thống năng lượng phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như hiện nay có thể tác động rất lớn đến mức chi phí trong nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam không phải ngoại lệ trong xu thế chuyển dịch năng lượng. Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam còn đi song hành với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Chúng tôi nhận thấy mong muốn đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng, sao cho vẫn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Chuyển dịch năng lượng còn mang lại cơ hội việc làm và xu hướng này sẽ ngày càng nhân rộng, tạo ra điều kiện cần thiết cho sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Trong năm 2023, Việt Nam đã đặt ra 4 mục tiêu cho quá trình chuyển dịch năng lượng và Nhóm Công tác Điện và Năng lượng sẵn sàng hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ quá trình này...

Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn bao giờ hết để thu hút khu vực tư nhân đầu tư và hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới giảm phát thải. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc tập trung xây dựng chính sách để tạo điều kiện tiếp cận tài chính khí hậu trong mọi lĩnh vực của ngành kinh tế và có cơ chế khuyến khích áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, cùng với các chính sách khác, để thu hút nguồn vốn cần thiết để giảm phát thải cho nền kinh tế.

Vào năm 2023, Nhóm Công tác Điện và Năng lượng sẽ soạn thảo báo cáo Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam - ấn bản số 3, trong đó xoay quanh cách khu vực tư nhân có thể hỗ trợ thực hiện Quy hoạch điện VIII như thế nào, đặc biệt là trong việc thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân, cũng như hỗ trợ trong việc lập kế hoạch, vận hành, nâng cao năng lực, cũng như những khuyến nghị về tiêu chuẩn kỹ thuật phát triển bền vững ngành Điện.

Báo cáo thể hiện nỗ lực của khu vực tư nhân trong việc cùng phối hợp và đồng hành với Chính phủ trong quá trình chuyển dịch năng lượng, thực hiện cam kết của Việt Nam trong JETP và đạt được các mục tiêu của Việt Nam về trung hòa carbon.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những trọng tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Là một nước có trách nhiệm cộng đồng, Việt Nam đã tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh từ sớm.

Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội cũng đã ban hành nền tảng pháp luật, trong đó, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp lý để tạo nền tảng cho phát triển tăng trưởng xanh, khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó, nhiệm vụ và hành động được xây dựng trên cơ sở lựa chọn tăng trưởng xanh cao, tính đến các giải pháp khả thi về kỹ thuật, có tính khả thi và phù hợp năng lực, đồng thời, có khả năng thực hiện và đẩy mạnh triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, thay vì chỉ tính đến các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.

Điểm mấu chốt của chiến lược là cân bằng hài hòa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với phát triển xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Thông điệp xuyên suốt của chiến lược và Kế hoạch Hành động quốc gia đã được nêu rõ, trên tinh thần đó, các bộ, ngành tích cực triển khai tăng trưởng xanh trong phạm vi nhiệm vụ để sửa đổi các nội dung pháp lý theo định hướng tạo điều kiện huy động tài chính, nguồn lực cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Với chủ đề "Cộng đồng Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" của VBF năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích và lắng nghe ý kiến thẳng thắn, kinh nghiệm thực tế, phản ánh trực diện những khó khăn vứng mắc của doanh nghiệp. Để từ đó, cộng đồng doanh nghiệp, cùng cơ quan quản lý cùng chung tay tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp phát triển.

VBF (phiên cấp cao) sẽ diễn ra vào ngày 19/3/2023.

Nguyễn Điểm