Thủ tướng yêu cầu Hà Nội đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách, các dự án theo hình thức PPP.

Với những vấn đề đã tồn tại nhiều năm, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội khẩn trương giải quyết, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh đến 4 tồn tại cần tập trung xử lý. Đó là:

Củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Đối với dự án xây dựng ở số 8B Lê Trực, Hà Nội phải khẩn trương giải quyết dứt điểm, bảo đảm đúng quy hoạch chi tiết, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, chính đáng cho nhà đầu tư.

Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (quận Ba Đình) và mương thoát nước Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy).

Đáng lưu ý, với Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm để đưa vào khai thác vận hành trong năm 2020.

Liên quan đến dự án này, mới đây tại buổi tiếp xúc cử tri quận Bắc Từ Liêm trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, các cử tri đã rất quan tâm tới vấn đề này.

Cử tri kiến nghị Quốc hội và TP tiếp tục thúc đẩy, sớm đưa Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.

Thông tin tới cử tri về Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án trọng điểm trên địa bàn TP nhưng chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nên trách nhiệm chính là của Bộ.

Tuy nhiên, Hà Nội tiếp nhận dự án này và sẽ nhận trách nhiệm trả nợ. Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ chuyển ý kiến của cử tri đến cơ quan chức năng để xử lý những sai phạm (nếu có) của các cá nhân liên quan đến dự án này.

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC với Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu.

Hải Hà