Theo số liệu, năm 2022, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Quảng Ninh đạt 93,9%, cao nhất trong 5 năm gần đây. So với kế hoạch Thủ tướng giao, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 121,5%, cao hơn bình quân chung cả nước.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn chi đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh là hơn 14.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 1.271 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp tỉnh gần 8.976 tỷ còn lại hơn 4.500 tỷ là nguồn vốn ngân sách cấp huyện.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về giải ngân đầu tư công. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến 30/9/2023 giải ngân 80%; đến 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư giao đầu năm.

Tính đến ngày 15/3/2023, mặc dù tỷ lệ giải ngân của Quảng Ninh vẫn cao hơn bình quân chung cả nước; tuy nhiên, vẫn còn thấp so với chỉ đạo của tỉnh và thấp hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tỷ lệ giải ngân ở cả 3 cấp đều thấp hơn so với cùng kỳ, cụ thể: Ngân sách Trung ương chưa giải ngân; ngân sách tỉnh giải ngân đạt 5% (cùng kỳ đạt 11,7%); ngân sách huyện, xã giải ngân đạt 4,1% (cùng kỳ đạt 5%).

Cho ý kiến về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Mặc dù, ngay từ đầu năm Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, so với yêu cầu chỉ đạo chung đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Nguyên nhân nằm ở khâu tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương các cấp; việc phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa các địa phương, sở, ngành chưa thực sự hiệu quả; chưa có giải pháp dài hạn đối với vấn đề đất san lấp; công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm, nhất là đối với nguồn đầu tư thuộc trách nhiệm của cấp huyện.

Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 đã được thông qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các địa phương sớm hoàn thành dứt điểm việc lập quy hoạch và công bố công khai; trong đó, có các vị trí mỏ để làm vật liệu san lấp.

Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý mạnh tay đối với các chủ mỏ đất san lấp gây khó khăn cho quá trình triển khai các nhiệm vụ về đầu tư và những vi phạm liên quan đến việc tạo ra khan hiếm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn.

Tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư trong đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 2023 của tỉnh đối với các dự án trọng điểm và của huyện, thị xã, TP trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công.

Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm trực tiếp đối với bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện. Hàng tháng, bí thư cấp ủy cấp huyện báo cáo tiến độ giải ngân trong báo cáo tiến độ công việc. Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân của các cơ quan gắn với từng dự án; tăng cường công tác phối hợp từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Quá trình thực hiện phải luôn xác định, đầu tư công là 1 trụ cột tạo ra tăng trưởng và cũng là trụ cột đảm bảo sự ổn định, phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Do vậy, phải tiếp tục thực hiện các mục tiêu nâng cao hiệu quả giải ngân vốn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phải đạt yêu cầu chung của Chính phủ, của tỉnh.

Chú trọng đến chất lượng, tiến độ công trình; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.

Trọng Tài