Dự án Trung tâm văn hóa thương mại và dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk toạ lạc ở vị trí đắc địa, được nằm ở khu “đất vàng” khi giáp 2 mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành và Trường Chinh (TP Buôn Ma Thuột).

Sáng ngày 26/3, chúng tôi đã có mặt tại dự án này. Đập vào mắt phóng viên là khung cảnh hoang vu, trơ trọi giữa trời. Toà nhà mới xây xong phần tô, chưa tô vữa, nhiều vị trí đã mọc rêu xanh. Phía trên tầng đang nham nhở xi măng, vữa, sắt, thép...

Theo tài liệu của Báo Thanh tra, dự án trên của Công ty cổ phần đầu tư Cao Nguyên (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Vào năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk cho công ty này thuê 3.385 m2 đất tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Mục đích để công ty xây dựng Trung tâm Văn hóa, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk. Sau đó, công ty này được bàn giao đất trên thực địa để triển khai dự án.

Sau 5 năm, ngày 28/12/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản chấm dứt hoạt động của Dự án Trung tâm Văn hóa, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk. Lý do chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký đầu tư.

Ngày 16/8/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định cho phép Công ty cổ phần đầu tư Cao Nguyên gia hạn tiến độ sử dụng đất là 24 tháng kể từ ngày 29/12/2017 đến ngày 29/12/2019 để xử lý tài sản trên đất.

Trong quá trình đầu tư, công ty có vay vốn tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank). Đến cuối năm 2013, OceanBank phá sản và Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng và quản lý đặc biệt, nên không thể tiếp tục giải ngân vốn tín dụng đầu tư cho dự án như đã cam kết.

leftcenterrightdel
 Dự án Đắk Lắk Center “chết yểu” ngay giữa lòng TP Buôn Ma Thuột vừa gây lãng phí “đất vàng”, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ảnh: Anh Minh

Vì vướng tranh chấp pháp lý với OceanBank, nên công ty chưa thể cơ cấu vốn để tiếp tục thực hiện hoàn tất đầu tư và đưa vào khai thác. Trong thời gian được gia hạn tiến độ sử dụng đất, công ty đã tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng tải sản trên đất của dự án Trung tâm Văn hóa, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đắk Lắk cho nhà đầu tư khác. Nhưng vì tài sản của dự án là tài sản đảm bảo cho hợp đồng tín dụng tranh chấp giữa Công ty cổ phần đầu tư Cao Nguyên với Ngân hàng OceanBank. Do đó, Công ty cổ phần đầu tư Cao Nguyên không thể ký chính thức hợp đồng mua bán tài sản đang tranh chấp được.

Ngày 28/1/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa Công ty cổ phần đầu tư Cao Nguyên với Ngân hàng OceanBank tại Bản án số 02/2021. Theo nội dung bản án, Công ty cổ phần đầu tư Cao Nguyên có nghĩa vụ thanh toán tổng số nợ tính đến ngày 10/12/2014 gần 67 tỷ đồng; Trường hợp công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì nguyên đơn có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền kê biên, phát mại toàn bộ tài sản bảo đảm của khoản vay để trả nợ cho nguyên đơn.

Ngày 31/05/2021, OceanBank đã gửi Đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, việc thi hành án gặp vướng mắc liên quan đến việc thu hồi đất, xử lý tài sản trên đất. Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao các đơn vị chuyên môn tham mưu hướng xử lý vừa thu hồi được đất, vừa kêu gọi đầu tư. Trường hợp vẫn còn vướng mắc thì tham mưu tỉnh xin ý kiến của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ vừa kêu gọi đầu tư); tham mưu UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ.

Dư luận đặt dấu hỏi về việc UBND tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu, thẩm định năng lực chủ đầu tư như thế nào trước khi cấp chủ trương đầu tư dự án. Việc để một dự án “chết yểu” ngay giữa TP Buôn Ma Thuột vừa gây lãng phí “đất vàng”, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thành phố…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Anh Minh