Tổng vốn thực hiện Chương trình năm 2023 là gần 635 tỷ đồng, tổ chức thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, Bắc Giang sẽ hỗ trợ 182 hộ làm nhà ở, 1.234 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, 2.206 hộ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đồng thời, tỉnh hoàn thành 30km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp ba chợ, ba trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 49 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 12 trường; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 7 trường nội trú, bán trú.

Tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 10 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 7 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; bảo tồn 4 làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; 62 thiết chế văn hóa, thể thao.

Bắc Giang nâng cao chất lượng dân số, tăng cường truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao nhận thức, chất lượng và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, tỉnh tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về pháp luật, từng bước vận dụng pháp luật có hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình...

Để đạt mục tiêu đề ra, Bắc Giang chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần Chương trình theo kế hoạch; chủ động thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí.

UBND các huyện chủ động phân bổ vốn chi tiết cho các chủ đầu tư, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, đồng thời giải quyết dứt điểm các vi phạm về thời gian lập báo cáo quyết toán.

Cùng với thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, Bắc Giang thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án tại cơ sở; khắc phục kịp thời những khó khăn vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức thực hiện Chương trình…

Năm 2022, tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là gần 299 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, vốn tín dụng; vốn ngân sách huyện, xã và vốn huy động khác, thực hiện 10 dự án thành phần. Đến 28/2/2023, toàn bộ 10 dự án đang được các chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện, khối lượng thực hiện ước đạt 240 tỷ đồng. Nhờ đó, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 285 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 354 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 454 hộ; hỗ trợ khoán bảo vệ và bảo vệ trên 17.750ha rừng; đầu tư xây dựng mới 111 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức 13 lớp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Thông qua thực hiện Chương trình và các chính sách dân tộc khác đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bắc Giang. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo 73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giảm bình quân 2,35% so với năm trước; tỷ lệ hộ nghèo 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1% (trong đó có những xã giảm hơn 10% tỷ lệ hộ nghèo)…

Việt Hùng