Giảm giá 30%-50% vẫn ế

Ế ẩm mặt bằng cho thuê đang là tình trạng chung ở hầu khắp các tuyến phố trung tâm thành phố.

Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh tra, cuối tháng 10, nhiều căn nhà phố mặt tiền (đa số 2-3 tầng) nằm trên các tuyến đường thuộc lõi trung tâm quận 1 trong tình trạng đóng cửa im lìm. Thay vào cảnh buôn bán tấp nập thì là hàng loạt biển cho thuê mặt bằng được treo lên.

Trục lõi trung tâm với phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố thương mại Đồng Khởi, phố trà sữa Ngô Đức Kế, phố văn phòng Hàm Nghi... đều xuất hiện nhiều căn nhà mặt tiền đóng cửa, chỉ có xe đẩy, gánh hàng rong tụ tập xung quanh hoặc thưa vắng người.

Anh Vũ Anh Dũng, chủ một căn nhà mặt tiền trên đường Lê Thánh Tông, quận 1 cho hay, trước đây rất nhiều thương hiệu thời trang liên lạc đặt cọc trước, chờ người thuê cũ hết hợp đồng để thuê lại. “Chúng tôi thường chọn người thuê chứ không phải lo về giá thuê. Tuy nhiên từ đợt dịch đầu, đến tháng 4 đã phải giảm giá, đợt dịch sau, giảm giá tiếp… vẫn không ai hỏi thuê”, anh Dũng buồn rầu nói.

Anh Nguyễn Minh Quang, chủ một cửa hàng thiết bị điện đang thuê mặt bằng trên đường Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, cũng cho biết, sau đợt dịch lần 1, anh được chủ nhà giảm 10%, nhưng mới đây anh vừa thương lượng được với chủ nhà giảm tiếp là 30% tiền thuê mặt bằng. “Nếu chủ nhà không đồng ý chúng tôi cũng sẽ tìm địa điểm khác, vì mặt bằng bây giờ rất sẵn, và giá lại giảm nhiều”, anh Quang nói.

Tại khu vực số 10 Thái Văn Lung, quận 1, căn hộ văn phòng vốn chưa khi nào còn phòng trống. Thế nhưng đến nay, cả cao ốc chỉ còn khoảng 5 - 7 phòng có khách thuê. Nhân viên quản lý cho biết, đợt dịch đầu toàn bộ khách đã được giảm 15% giá thuê, nhưng đợt dịch sau giảm sâu hơn nữa nhưng khách vẫn không thuê.

Anh Lê Minh Hưng, chủ một doanh nghiệp địa ốc thừa nhận, toàn bộ mặt bằng của công ty hiện nay đang được giảm giá cho các đơn vị thuê từ 30 - 50%. Như căn nhà giá trên 120 tỷ đồng ở đường Ung Văn Khiêm, quận 1, hiện đang cho thuê chỉ 100 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, môi giới nhà phố mặt tiền khu vực quận 1 có thâm niên gần chục năm tại thị trường TPHCM cho biết, trong vòng 10 năm qua, đây là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất của thị trường cho thuê nhà phố mặt tiền. Phía chủ nhà không còn cảnh hét giá cao vẫn có khách xếp hàng tranh thuê.

Đồng thời, giá chào thuê nhà phố mặt tiền cũng điều chỉnh mạnh nhiều tháng liền nhưng vẫn ít khách thuê do nhu cầu tìm kiếm mặt bằng kinh doanh đang trong giai đoạn thấp điểm. Ông Thịnh cho biết, đã chứng kiến một hệ thống nha khoa đóng cửa toàn bộ các phòng khám, tất cả đều có vị trí mặt tiền đắc địa tại khu trung tâm thành phố do kinh doanh ế ẩm và không có triển vọng phục hồi sớm.

Thực tế 6 tháng qua, các mặt bằng bán buôn, kinh doanh bỏ trống đang trở nên phổ biến tại những tuyến phố thương mại đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Từ quý I, tình trạng kinh doanh ế ẩm, kéo dài sang quý II và chưa có dấu hiệu cải thiện đầu quý III khiến số lượng mặt bằng trống cứ tăng dần dù vị trí đắc địa tại khu trung tâm. Thậm chí, các phòng răng (nha khoa), spa, công ty du lịch... cũng đua nhau đóng cửa, trả mặt bằng trong giai đoạn khó khăn do tác động của Covid-19.

Báo cáo thị trường bất động sản thương mại mới đây của Savills TPHCM cho biết, đại dịch khiến nhiều khách thuê nhà phố mặt tiền làm mặt bằng kinh doanh phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Nhiều chuỗi ăn uống và thời trang, dịch vụ tại các vị trí đắc địa phải đóng cửa ở các mặt bằng nhà phố do tình hình kinh doanh giảm sút.

Theo Savills, nhà mặt tiền tại khu vực trung tâm Sài Gòn phụ thuộc vào lĩnh vực thương mại, du lịch bị hoàn trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của chính sách hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Đơn vị này cho biết thêm, các khách thuê tiềm năng đang tìm kiếm các ưu đãi giảm giá thuê lên đến 40% (cuối năm trước chỉ giảm ở mức tối đa 20%).

Giá căn hộ, giá nhà vẫn tăng

Bên cạnh thực trạng hàng loạt mặt bằng đất vàng “ế ẩm”, thì những căn hộ cao cấp cũng “bất động” từ đầu năm đến nay. Ông Quang Hưng (quận 3, TPHCM) cho biết, hai căn hộ cho thuê tại quận Tân Bình của ông cũng bỏ trống từ đầu năm. Khu vực này có giá cho thuê cao, khách chủ yếu là người nước ngoài nên rất khan kiếm.

“Giá thuê trước đây là 2.500 USD/tháng, giờ tôi giảm xuống còn 2.000 USD/tháng nhưng vẫn ế. Từ tháng 7, giảm thêm 500 USD nhưng vẫn chưa có khách” - ông Dũng chia sẻ.

Tương tự, nhà phố cho thuê cũng phải giảm giá mạnh để giữ chân khách. Chị Minh Thu, chủ shop thời trang trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 cho biết, khi dịch bệnh xảy ra chủ nhà đã giảm hai đợt giá. Ban đầu chị thu thuê căn nhà phố vừa làm cửa hàng vừa để ở với mức 25 triệu đồng/tháng. Sau đợt dịch lần thứ nhất, chủ nhà giảm còn 20 triệu đồng/tháng. Đến đợt dịch thứ hai, từ đầu tháng 9, chủ nhà giảm còn 15triệu đồng/tháng đến hết năm.

“Lúc này khách thuê đúng là được lợi vì giá giảm nhưng thực sự tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nào cũng khó khăn, không có lãi. Vì thế, dù được giảm giá rồi mà nhiều khách vẫn buộc phải trả mặt bằng” - chị Thu nói.

Điều đáng nói, bên cạnh bối cảnh mặt bằng cho thuê như vậy, thì giá nhà phố, căn hộ giá vẫn tăng. Chị Ngọc Lan mới bán căn nhà đường Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình giá 8,5 tỷ, trong khi trước đó 1 năm rao bán 8 tỷ. “Tuy nhiên khi tôi mua căn hộ 2 phòng ngủ ở đường 3 tháng 2, quận 10 thì giá cũng tăng lên 400 triệu so với cùng kỳ năm ngoái”, chị Lan nói.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Minh Tuấn chuyên gia trong ngành bất động sản cho rằng, giá cho thuê sẽ giảm, thay vào đó, khách mua để ở và đầu tư bán lại sẽ tăng lên. Nhu cầu người mua  bất động sản để ở sẽ chiếm phần lớn, khoảng 40%; nhu cầu mua căn hộ đầu tư sẽ chiếm 30%-40%, còn khách hàng mua căn hộ cho thuê chỉ còn 10%-15%. Bên cạnh đó quỹ đất ở những khu trung tâm TPHCM không còn nhiều.

Theo báo cáo thị trường  bất động sản quý III của JLL Việt Nam ghi nhận giá bán sơ cấp căn hộ trung bình tại TPHCM đạt 2.423 USD/m2 (tương đương hơn 55,7 triệu đồng/m2), tăng 17% theo năm. Nhìn chung, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục tăng giá trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung.

Giá bán sơ cấp phân khúc nhà liền thổ tiếp tục tăng lên 5.337 USD/m2 (tương đương khoảng 123 triệu đồng/m2) trong quý III, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái và 3,1% so với quý trước.

JLL cho biết phân khúc này vẫn tăng giá, chủ yếu do sự gia nhập của các dự án mới với giá cao hơn trung bình cũng như sự tự tin từ các chủ đầu tư của những dự án tích hợp quy mô lớn. 

Nghiêm Lan