Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 06/09/2012 - 14:51
(Thanh tra) - Ngày 15-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã có Nghị quyết chia tách Hà Bắc thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Ngày 1-1-1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Bắc Ninh là một tỉnh nằm ở cửa ngõ phía đông bắc và tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 30km. Bắc Ninh có diện tích tự nhiên là 822,7km2. Dân số hơn 1 triệu người với gần 700.000 lao động.
Bắc Ninh là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời, nơi phát tích Vương triều nhà Lý. Vị vua đầu tiên Lý Công Uẩn của vương triều này là người có công lập đô Thăng Long - Hà Nội ngày nay. Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là Đại diện Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.
Trong 15 năm qua, Bắc Ninh từ một tỉnh nông nghiệp thuần tuý thì đến hôm nay đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá: Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, có chuyển biến về chất lượng và hiệu quả; quy mô kinh tế lớn mạnh không ngừng, năm 2011 gấp 6,6 lần so với năm 2007. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao ổn định bình quân đạt 14,1%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại.
Đến năm 2011, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 70,7%, dịch vụ 20,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,5% (năm 1997 tỷ trọng 3 khu vực này tương ứng là: 23,8% - 45,0% - 31,2%). GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.130 USD (năm 1997 là 196 USD). Công nghiệp phát triển nhanh, liên tục tăng trưởng cao, công nghệ ngày càng hiện đại, tính chung toàn ngành tăng bình quân 38%/năm, đưa Bắc Ninh đứng trong top 10 tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất toàn quốc. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao, năm 2011 chiếm 72,4% tổng GTSX công nghiệp toàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 15 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích 7.525ha, trong đó 10 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích quy hoạch đạt gần 50%, trên diện tích thu hồi trên 60%. Hình thành các khu công nghiệp – đô thị hiện đại, thu hút đầu tư các tập đoàn kinh tế đa quốc gia như Canon, Samsung, ABB, Nokia...
Thành công đó có vai trò quan trọng của nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ một tỉnh thuần nông, hạ tầng thấp kém, Bắc Ninh đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, hội tụ sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Năm 2011, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng nợ công, thiên tai, lạm phát tăng cao... nhưng với tỉnh Bắc Ninh, hoạt động thu hút đầu tư vẫn đạt được kết quả tích cực, đầu tư nước ngoài có 60 dự án mới, 14 dự án được điều chỉnh của các doanh nghiệp FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn trên 600 triệu USD, tăng 88% so với năm 2010; đầu tư trong nước có 94 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đã đăng ký trên 20 nghìn tỷ đồng (tăng 34% so năm trước).
Đến nay, toàn tỉnh có 346 đơn vị FDI trong đó 327 dự án FDI và 19 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh: 3.950,47 triệu USD. 546 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh 62.889 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký 4.820 DN hoạt động theo luật doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 34.700 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng bình quân 25,7%/năm; năm 2011 đạt 23.789,5 tỷ đồng.
Kết quả trên có được là do tỉnh đã tập trung cao cho các công tác quy hoạch và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội nói chung và các khu, cụm công nghiệp nói riêng tạo thuận lợi hấp dẫn các nhà đầu tư. Môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện theo hướng ngày càng thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn. Thực hiện tốt cơ chế một cửa trong cấp giấy chứng nhận đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc cung cấp thông tin dự án, hướng dẫn thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai dự án.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện liên tục, từ xếp thứ 20 năm 2007 đã vươn lên thứ 6 ( năm 2010) và năm 2011 đứng ở vị trí thứ 2 trên toàn quốc. Tổ chức triển khai tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh như: các chính sách về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế; hỗ trợ thu hút đầu tư, đào tạo lao động, tập trung kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính...Thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, biên soạn và phát hành tài liệu (sách, đĩa CD) giới thiệu môi trường đầu tư, tiềm năng cơ hội đầu tư, danh mục các dự án thu hút đầu tư; quảng bá hình ảnh địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của tỉnh và các báo, tạp chí của Trung ương; tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc.. ; chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính và trung tâm xúc tiến đầu tư để vận động đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời phải kể đến sự nỗ lực của bản thân các chủ đầu tư đã chủ động có kế hoạch để đối phó với tình hình khó khăn chung. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng tập trung đầu tư sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao công nghệ sản xuất nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển.
Như vậy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Bắc Ninh do hội tụ các yếu tố nền tảng: Cơ sở hạ tầng tốt; thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, thuận lợi; hình ảnh của Bắc Ninh được gắn liền với các thương hiệu của các tập đoàn lớn như Canon, Sam sung, Nokia; công nghiệp hỗ trợ bước đầu hình thành và gia tăng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…
Sự hội tụ đó bảo đảm cho các môi trường kinh doanh và “thương hiệu Bắc Ninh” trở thành địa chỉ tham gia cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu, chứ không đơn giản chỉ cạnh tranh giữa các địa phương trong nước. Với những lợi thế đó, nhà đầu tư có thể cảm nhận được sự khác biệt về sự tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục đầu tư và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp và chiến lược phát triển dài hạn.
Bắc Ninh đã khởi động, thực hiện những bước đi của chiến lược phát triển trong giai đoạn mới dựa trên các yếu tố: Chuyển từ phát huy lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động; nâng cấp môi trường kinh doanh tốt với chất lượng điều hành kinh tế và đơn giản hóa thủ tục; tái cấu trúc các ngành và không gian kinh tế với tầm nhìn dài hạn nhằm kiến tạo không gian đô thị công nghiệp hiện đại, định vị tọa độ phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nhà đầu tư có thể tìm thấy ở chiến lược này “điểm tựa” cho chiến lược của doanh nghiệp, thể hiện ở thông điệp: “Bắc Ninh đồng hành cùng doanh nghiệp” mà lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã đề ra đang được các cấp, ngành nỗ lực thực hiện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2012, Bắc Ninh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, thu hút đầu tư có chọn lọc trong điều kiện nền kinh tế còn có dấu hiệu suy thoái, chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận các dòng vốn đầu tư khi nền kinh tế hồi phục. Để thực hiện những mục tiêu trên, về phía các cơ quan Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch và triển khai đồng bộ phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, cũng như các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các hệ thống giao thông, điện, cấp thoát nước, xử lý môi trường, nhà ở cho người lao động... tạo thuận lợi về mặt bằng và các điều kiện cho triển khai các dự án đầu tư. Triển khai tốt, kịp thời các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Thực hiện các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng cơ chế chính sách lựa chọn, thu hút, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng nội địa cao. Rà soát và triển khai hiệu quả vốn đầu tư phát triển và các hình thức đầu tư mới như BT, BOT, PPP. Thực hiện tốt đề án phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, marketing địa phương, tăng cường quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của và các hoạt động xúc tiến đầu tư thiết thực, hiệu quả.
Cùng với các giải pháp của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần thấy cơ hội cho chính mình khi vượt qua khó khăn và kịp thời chiếm lĩnh thị trường khi nền kinh tế thế giới và trong nước bước vào chu kỳ phát triển mới. Hơn ai hết là các doanh nhân phải thay đổi chính mình, cần chủ động, linh hoạt để tập trung khắc phục khó khăn, có trọng tâm, trọng điểm tạo các khâu đột phá, tránh dàn trải nguồn lực. Cần lựa chọn chiến lược đổi mới phù hợp với doanh nghiệp của mình: Như cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm, và trong một số trường hợp có thể chuyển lĩnh vực hoạt động...Ứng dụng hệ thống quản lý tiên tiến vào doanh nghiệp mình, phát triển mạnh mạng lưới thương mại, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh từ phát triển thương hiệu, kinh doanh tiếp thị. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội (tạo ra sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và không ảnh hưởng đến môi trường), sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu ra thị trường thế giới và tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng trong nước.
Sức hút đầu tư Bắc Ninh không chỉ do những sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan Nhà nước mà quan trọng hơn là sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, “đất lành chim đậu”. Chính cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã góp phần thúc đấy phát triển kinh tế- xã hội, tạo ra ảnh hưởng lan tỏa và gia tăng quy mô thì trường, tạo mối liên kết, tạo động lực phát triển, khai thác lợi thế so sánh tạo đà tăng trưởng mới. Đó là động năng để tạo đà chuyển động cho kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng cao liên tục và duy trì dòng vốn đáp ứng nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.
Điều đó cũng là chủ đề cuộc gặp mặt, đối thoại của Lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp nhân dịp kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh, “Bắc Ninh và cộng đồng doanh nghiệp chung tay vì mục tiêu phát triển bền vững”, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu xây dựng Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
TS. Nguyễn Quốc Chung
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 242,5 triệu đồng.
Trần Quý
20:27 13/12/2024(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.
Trần Kiên
20:25 13/12/2024T.Thanh
19:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải